Tư vấn bơi và phòng chống đuối nước (Số 12): Bơi sải

Văn Hiến - Quang Anh (Ban Thể Thao)Cập nhật 07:15 ngày 04/06/2017

VTV.vn - Trong chương trình tư vấn và hướng dẫn kỹ năng phòng chống đuối nước hôm nay chúng ta sẽ cùng đến với 1 kỹ thuật rất phổ biến mà nhiều người áp dụng khi bơi đó là bơi sải.

Ở số trước, Thể thao VTV đã gửi tới quý vị những kỹ năng của bơi ếch còn hôm nay, chúng ta sẽ đến với 1 kỹ thuật bơi sải, 1 kỹ thuật bơi rất đáng học bởi đây là nền tảng để chúng ta bơi bướm và bơi ngửa 1 cách tốt nhất.

Bơi sải " hay bơi tự do là kiểu bơi nhanh nhất, phù hợp với mọi đối tượng trẻ nhỏ, thanh niên, trung niên và người không có các tiền sử bệnh tim mạch hay huyết áp cao, tuy nhiên đây là 1 kỹ thuật bơi rất tốt cho những người có tiền sử bệnh lý hô hấp, lao phổi và các loại bệnh cơ-xương-khớp.

Để học bơi sải hiệu quả, khi tập chúng ta làm đúng kỹ thuật và thực hiện tuần tự như sau:

– Tập chân…. rồi tập tay… sau cùng tập chân và tay

– Tập trên cạn thật nhuần nhuyễn rồi sau đó mới xuống nước.

1. Tư thế cơ thể

Tư thế cơ thể của kỹ thuật bơi sải là phẳng và ngang với mặt nước.

Đầu để tự nhiên, dưới mặt nước, mực nước ngang chân tóc.

Hai vai nổi nhẹ, hông và gót chân nằm ngay dưới mặt nước Mắt nhìn hướng xuống đáy bể.

2. Động tác chân

Khi sử dụng kỹ thuật bơi sải thì Chân đập nhịp nhàng, luân phiên, liên tục, nhóm cơ duỗi đùi điều khiển động tác đập lên xuống.

Các ngón chân duỗi và hướng vào trong, cổ chân thả lòng.

Chân gần như thẳng và gần nhau. Chuyển động từ hông, không đập cách mặt nước quá 45cm. Khi Đập chân xuống: đầu gối đẫn dắt cẳng chân, gót chân hướng lên vào trong.

3.Động tác tay

Động tác tay trong bơi sải theo một số kỹ thuật cơ bản sau:

a. Pha hiệu lực

– Khi tiếp xúc với nước đầu ngón tay tiếp xúc trước, Cánh tay duỗi thẳng thoải mái, khuỷu tay gập vào cao hơn cổ tay 1 chút, bàn tay phẳng và lòng bàn tay hướng xuống dưới.

– Tì nước:

Ngón tay khép sát nhau, bàn tay phẳng và cổ tay gập nhẹ.

Đầu ngón tay thẳng hàng với trục dọc cơ thể.

Độ sâu của chuyển động tay nhằm tạo ra áp lực mong muốn là vào khoảng 30cm. Cố giữu được dưới nước

– Kéo nước

Lòng bàn tay hướng ra sau, ngón tay sát nhau chuyển động trong phạm vi mặt phẳng cơ thể

Bàn tay phẳng và cổ tay hơi gập

Khuỷu tay nâng cao và gập, ngón cái ở vị trí cao nhất

Kéo nước theo hình chữ S

– Đẩy nước

Cánh tay gập ở khuỷu tay, bàn tay hướng trực tiếp ra sau, trên cùng một đường thẳng với cẳng tay.

Bàn tay dẫn dắt khủy tay khi kéo đến ngang hông, bàn tay hướng ra ngoài và lên trên cho đến khi gần chạm hông.

Cánh tay duỗi hoàn toàn khi kết thúc giai đoạn này.

b. Vung tay trên không

– Chuẩn bị tay rười nước

Bàn tay sát hông hoặc mặt trên đùi, thả lỏng

Lòng bàn tay xoay vào trong và bàn tay hơi nghiêng lên trên

Khuỷu tay đi trước bàn tay khi ra khỏi mặt nuốc.

– Vung tay trên không

Khuỷu tay cao và hơi gập, bàn tay vung thấp

Thân người xoay nhẹ, vai ra khỏi nước hoàn toàn.

4. Thở

Hít vào sớm trong giai đọạn tay trả về trước cùng bên xoay đầu.

Thở ra trong giai đoạn tay vào nước và kéo nước.

Hít vào bằng miệng ( 1 giây) và thở ra bằng cả mũi và miệng (3 giây)

5. Phối hợp tay, chân kết hợp thở

Tay và chân : Thông thường 6 nhịp chân là cân xứng cho một chu kỳ động tác tay hoàn chỉnh

Tay và thở: Lấy hơi khi kết thúc động tác tay đẩy nước,Thở ra trong giai đoạn tay vào nước và kéo nước.