Tây Ban Nha (World Cup 2014)
"Lời nguyền" World Cup tiếp tục ứng nghiệm tới cả đội bóng mạnh như Tây Ban Nha khi đó. Sau khi ĐT Tây Ban Nha vô địch World Cup 2010, lời nguyền về một đội bóng châu Âu không thể bảo vệ thành công chức vô địch đã thành hiện thực.
Tại World Cup 2014, với lực lượng hùng hậu kế thừa từ thành quả vô địch Euro 2012, ĐT Tây Ban Nha đã "ngã đau" trên đất Brazil. Thầy trò HLV Vicente Del Bosque bị loại tức tưởi ở vòng bảng sau chỉ 2 lượt trận toàn thua, trong đó có trận thua đậm 1-5 trước ĐT Hà Lan. Đây là cơn đại địa chấn trong lịch sử giải đấu bóng đá lớn nhất hành tinh.
Italy (World Cup 2014)
World Cup 2014 thực sự là giải đấu ác mộng với các đại gia. ĐT Italy là một trong những nạn nhân đáng thương nhất khi cũng bị loại ngay từ vòng đấu bảng. Đáng tiếc hơn, ứng viên vô địch này đã thắng ĐT Anh – đối thủ được đánh giá mạnh nhất bảng đấu ở lượt trận đầu tiên. Tuy nhiên, hai trận thua liên tiếp trước ĐT Uruguay và ĐT Costa Rica đã khiến ĐT già giơ tới từ châu Âu phải xách vali về nước sớm hơn rất nhiều so với dự kiến.
Anh (World Cup 2014)
Cùng với ĐT Italy ở bảng đấu "tử thần", ĐT Anh cũng phải nói lời chia tay World Cup 2014 từ rất sớm. Càng đáng buồn hơn khi ĐT Tam sư không giành nổi một trận thắng nào dù sở hữu những ngôi sao hàng đầu thế giới như Gerrard, Rooney, Terry… và từng được xếp là ứng viên vô địch.
Bồ Đào Nha (World Cup 2014)
Bồ Đào Nha là đại gia châu Âu thứ 4 phải từ bỏ giấc mơ hoa ngay tại vòng bảng. Trước những đối thủ như ĐT Đức, Mỹ và Ghana, Ronaldo và các đồng đội đã gây thất vọng lớn. Đáng nói, vẫn đội hình nòng cốt này, ĐT Bồ Đào Nha sau 2 năm lại vô địch Euro 2016.
Italy (World Cup 2010)
Hành quân tới Nam Phi với vị thế ĐKVĐ nhưng ĐT Italy đã trình diễn bộ mặt rệu rã và thiếu sức sống. Lối chơi tệ hại và thiếu gắn kết khiến đội bóng áo thiên thanh nhanh chóng bị loại ngay ở vòng bảng. Đáng nói, những đối thủ của ĐT Italy đều bị đánh giá dưới tầm như Paraguay, Slovakia hay New Zealand. Cụ thể, thầy trò Marcelo Lippi đã thua ĐT Slovakia và hòa trước ĐT Paraguay và New Zealand, và tạo ra cú sốc lớn.
Pháp (World Cup 2010)
ĐT Pháp với đội hình hùng hậu được đánh giá là ứng viên vô địch tuy nhiên trước thềm giải đấu, nội bộ của Gà trống Galois lục đục khiến sức mạnh của đội suy giảm đáng kể. ĐT Pháp bị loại ngay ở vòng bảng. ĐT Pháp thua chính chủ nhà Nam Phi, bại trận trước Mexico và không thể thắng Uruguay.
Pháp (World Cup 2002)
Vẫn là câu chuyện của người Pháp tuy nhiên ở kỳ World Cup 2002, ĐT tới từ đất nước hình lục lăng tranh tài ở Nhật Bản và Hàn Quốc với tư cách là nhà ĐKVĐ. Trước đó, World Cup 1998 tổ chức ở quê nhà, ĐT Pháp thi đấu tưng bừng và giành chức vô địch thuyết phục sau khi vượt qua ĐT Brazil hùng mạnh ở chung kết.
Tuy nhiên, mọi thứ thay đổi đến 180 độ khi ĐT Pháp thi đấu bạc nhược đến khó hiểu ở World Cup 2002 khi không ghi nổi 1 bàn, chỉ giành được 1 điểm (thua Senegal và Đan Mạch, hòa không bàn thắng trước Uruguay). Đây quả là nỗi hổ thẹn lớn với bóng đá Pháp tại sân chơi lớn nhất thế giới.
Argentina (World Cup 2002)
ĐT Argentina luôn được coi là ứng viên vô địch và tại World Cup 2002 cũng không phải ngoại lệ. Tuy thế, dàn sao hùng mạnh chinh chiến ở châu Âu đã gục ngã hoàn toàn trước những ĐT tới từ châu Âu là ĐT Anh và Thụy Điển.
Tại giải đấu này, ĐT xứ Tango đã có khởi đầu suôn sẻ khi giành trọn 3 điểm trước ĐT Nigeria, nhưng như thế là chưa đủ để cứu vãn giải đấu trên đất châu Á. Toàn đội ngậm ngùi chia tay giải ngay sau vòng bảng khi để thua liên tiếp 2 trận sau đó.
Bồ Đào Nha (World Cup 2002)
ĐT Bồ Đào Nha khi đó nổi danh với biệt hiệu "Brazil của châu Âu" với lối đá kỹ thuật đầy cuốn hút. Tưởng chừng ĐT tới từ bán đảo Iberia này sẽ làm nên chuyện tại World Cup 2002 với lứa thế hệ vàng như Luis Figo, Rui Costa, Sergio Conceicao hay Simao Sabrosa nhưng rồi tất cả chỉ là con số 0 tròn trĩnh.
Nằm ở bảng đấu không quá khó, ĐT Bồ Đào Nha lại thi đấu không thành công, thua ĐT Mỹ, thua chủ nhà Hàn Quốc và khiến trận thắng ĐT Ba Lan chỉ còn mang tính chất danh dự. Qua đó, Figo và các đồng đội phải rời cuộc chơi ngay ở vòng bảng.
Tây Ban Nha (World Cup 1998)
ĐT Tây Ban Nha đến Pháp vào mùa Hè 1998 với sự kỳ vọng cao và thực tế, đội bóng xứ bò tót đã có màn khởi đầu ấn tượng. Tuy nhiên, hai trận thua liên tiếp trước ĐT Paraguay và Bulgaria đã khiến ĐT Tây Ban Nha mất quyền đi tiếp và chia tay giải đấu ngay khi vòng bảng khép lại.
Tây Ban Nha (World Cup 1978)
Ít ai ngờ rằng ĐT Tây Ban Nha lại bị loại sớm như vậy khi họ sở hữu đội hình khá chất lượng tranh tài tại Argentina. Thậm chí, ĐT Tây Ban Nha đã giành được 1 trận thắng (trước Thụy Điển) và 1 trận hòa (trước Brazil). Tuy nhiên, trận thua ĐT Áo ở trận mở màn trước đó đã khiến ĐT Tây Ban Nha chỉ đứng thứ 3 và không đủ điều kiện vào vòng tiếp theo.
Brazil (World Cup 1966)
ĐT Brazil hùng mạnh là thế, thậm chí có cả Pele trong đội hình nhưng bất ngờ gục ngã ngay tại vòng bảng giải đấu tổ chức trên đất Anh. Thậm chí, cú sốc bị loại này đã khiến "vua bóng đá" tuyên bố giã từ sự nghiệp thi đấu quốc tế.
Argentina (World Cup 1958)
ĐT Argentina tới Thụy Điển với hi vọng lớn và được xếp và danh sách ứng viên vô địch. Tuy nhiên, 1 chiến thắng trước ĐT Bắc Ireland chẳng nói lên nhiều điều khi đội bóng xứ Tango đã thua tan tác trước ĐT Tây Đức và Tiệp Khắc. Theo đó, ĐT Argentina chưa kịp hoàn thành mục tiêu ở vòng bảng với vị trí bét bảng.