Thứ bóng đá gần gũi với đời sống thường ngày lại được nâng tầm lên 1 đẳng cấp chuyên nghiệp có lẽ đã mang tới sức hút với đại đa số cánh mày râu yêu thích môn thể thao vua. Nhưng cũng có những cổ động viên dành tình yêu theo 1 cách đặc biệt.
Chị Lê Thị Bình mến mộ và đồng hành cùng CLB Cường Quốc được 4 năm, để được xem giải bóng đá ngoại hạng phong trào, chủ nhật nào chị cũng sắp xếp thời gian bay từ Tp HCM ra Hà Nội chỉ để đổi lại những phút giây sống cùng đam mê.
"Từ khi bắt đầu giải đến giờ thì tuần nào em cũng ra, em cố gắng là giải có 11 trận thì ra ít nhất 8 trận, thường thì tối thứ 7 em bay ra và sáng thứ 2 em bay sớm tiếp tục công việc đi làm. Nhiều người bảo sao ra đây xa thế chỉ để xem trận bóng, với em chỉ cần thỏa mãn niềm đam mê là được ạ" - Chị Bình chia sẻ.
Chính tình cảm rất đáng trân trọng ấy của người hâm mộ đã nâng tầm giá trị của những cầu thủ dưới sân và bản thân không chỉ cầu thủ phủi mà ngay cả các cầu thủ chuyên nghiệp cũng cảm thấy niềm hứng khởi lớn khi được tham dự giải.
Nhiều người đã đem những hình ảnh sôi động tại đây để so sánh với không khí ảm đạm của V.League và đánh giá cao hơn sự hấp dẫn của giải Phủi. Điều đó không hẳn đã sai, nhưng cần phải có cái nhìn đa chiều hơn để thấy sự khách quan.
"Không biết là nếu phủi mà cũng bán vé khoảng 50 ngàn 1 vé thì liệu còn đông như thế này nữa không, hay là Phủi trong 10 năm nữa thì thế nào, giải này mới có 5 năm thôi, nhưng dẫu sao BTC Phủi đã làm tốt việc tổ chức chuyên nghiệp và các trận đấu về cơ bản là trong sáng" - Nhà báo Phan Đăng cho biết.
Theo chúng tôi thì mọi sự so sánh đều không cần thiết, bóng đá phủi đang làm tốt vai trò của mình trong sự phát triển môn thể thao vua với cộng đồng. Chừng nào thứ bóng đá dung dị gần gũi ấy chưa bị biến dạng bởi sự thương mại hóa thì chắc chắn nó vẫn sẽ còn nhận được sự ủng hộ nhiệt thành của cổ động viên.