Vì David Moyes không phải Sir Alex
Dám chắc rằng, không ít những người yêu Man Utd là bởi vì cựu chiến lược gia đại tài Alex Ferguson. Sau hơn 2 thập kỷ chinh chiến cùng đội chủ sân Old Trafford, “Ông già gân” đã giúp cho nửa đỏ thành Manchester, từ chỗ chỉ là một đội bóng đang đì đẹt ở nhóm cuối giải hạng nhất khi đó, trở thành một “ông lớn” của giới bóng đá, không chỉ tại nước Anh mà còn vươn ra cả châu Âu.
‘ HLV David Moyes chưa có được tầm vóc như Sir Alex
Với gần 27 năm sống dưới mái Nhà hát những giấc mơ, đào tạo ra biết bao thế hệ cầu thủ tài năng bậc nhất thế giới, Sir Alex đã trở thành một phần không thể thiếu mỗi khi người ta nhắc về Man Utd. Kể cả khi ông đã nhường lại “ghế nóng” cho HLV David Moyes, sức ảnh hưởng của ông tại đội bóng này vẫn còn là rất lớn.
Nói cách khác, “truyền nhân” mà đích thân Sir Alex đưa về từ Everton đang tỏ ra quá lép vế trước cái bóng quá khứ mang tên ông. Alex Ferguson là cái tên mà tất cả mọi người, dù yêu, dù ghét Man Utd, đều phải ngưỡng mộ - nhưng David Moyes thì không.
Cựu HLV Everton không quá nổi trội giữa “rừng” HLV tài ba cùng lứa tuổi, thậm chí, còn bị cho là thiếu cá tính hơn những Mourinho, Pep Guardiola, Jurgen Kloop, Tata Martino… Và hiển nhiên, khi không (hoặc ít nhất là chưa) có được cái uy như người tiền nhiệm Alex Ferguson – khiến tất cả mọi người phải kính trọng, HLV David Moyes làm sao nhanh chóng có được “quan hệ tốt” với giới trọng tài?
Vì Ashley Young là “cậu bé chăn cừu”
Chúng ta sẽ không khó để tìm ra trên Internet những bức hình “chế” vui về hành vi ăn vạ của Ashley Young. Với tiền vệ người Anh, thứ người ta nhớ nhiều về anh nhất chẳng phải những pha đi bóng tài tình, tốc độ, hay những đường chuyền, cú sút thuộc đẳng cấp thế giới – mà đơn giản chính là những hành động “nhảy cầu” đáng chê trách.
‘ Ashley Young đã ăn vạ quá nhiều và giờ anh đã phải trả giá
Ashley Young đang là nạn nhân của chính lối chơi tiểu xảo. Nhìn vẻ mặt ngơ ngác anh khi bị trọng tài Howard Webb khước từ một quả penalty (trong trận gặp Tottenham) mới thấy cầu thủ này đáng thương làm sao. Ashley Young đang giống như cậu bé chăn cừu - vì nói dối quá nhiều nên chẳng ai tin nữa dẫn đến việc bị chó sói ăn thịt.
Tiền vệ người Anh đã để lại một ấn tượng chẳng mấy tốt đẹp trong mắt những người “cầm cân nảy mực” ở chính xứ sở sương mù. Và trong bối cảnh văn hóa ứng xử tại Premier League đang đặc biệt được coi trọng, Ashley Young nào dám phản ứng gay gắt để rồi có khi lại “tiền mất tật mang”?
Vì Howard Webb là trọng tài FIFA
Là một trong số ít những trọng tài FIFA của nước Anh, trình độ của Howard Webb là không phải bàn cãi. Trước nay, ông thường bị gắn mác “cầu thủ thứ 12” của Man Utd nhưng trong một trận đấu có tính chất quan trọng như cuộc đọ sức giữa Quỷ đỏ và Tottenham, bản thân Howard Webb hiểu rằng nếu thiên vị Man Utd, một lần nữa, ông sẽ bị dư luận "ném đá" cho tơi tả. Hiển nhiên, càng nổi tiếng là "cầu thủ không chính thức" của Man Utd bao nhiêu, sự nghiệp của vị trọng tài đầu trọc này càng bị ảnh hưởng xấu bấy nhiêu. Bởi lẽ, ngành nghề mà ông theo đuổi, không có chỗ cho sự thiên lệch vì tình cảm cá nhân.
‘ Howard Webb đã tỏ ra nghiêm khắc hơn với
Vì thế, khi được chỉ định bắt trận của Man Utd, Howard Webb đã tự trang bị cho mình sự đề phòng của lý trí để tránh việc rơi vào những tình huống xử lý có phần cảm tính (thường có lợi cho Man Utd) như trước kia. Đó là lý do vì sao, ông “tặng” cho Adnan Januzaj một chiếc thẻ vàng vì lỗi ngã vờ trong vòng cấm, rồi đồng thời cũng “phớt lờ” luôn pha va chạm giữa Hugo Lloris và Ashley Young.
HLV David Moyes phàn nàn về công tác trọng tài, có thể, bởi tâm tưởng ông hình dung rằng trước kia Man Utd thường ít gặp bất lợi trong các tình huống xử lý của những “ông vua sân cỏ”. Nhưng dù sao đi nữa, đó chỉ là chuyện quá khứ. Man Utd giờ đang sống trong những ngày thật khác – những ngày dưới triều đại David Moyes, khi không còn sự bảo hộ của Sir Alex.
Và suy cho cùng, trọng tài cũng là con người – có sai, có đúng. Man Utd từng có lúc hưởng lợi thì cũng nên biết cách chấp nhận chịu thiệt. Dù biết rằng, những sai lầm của tổ trọng tài, đôi khi thay đổi cục diện của cả một trận đấu nhưng nếu không có những “hương liệu” như thế, liệu “bàn tay của chúa” (Maradona) mà nạn nhân trực tiếp ở đây chính là bóng đá Anh (tứ kết World Cup 1986) hay pha “chơi bóng chuyền” của Henry (Pháp – Ailen, play-off World Cup 2010)… có ra đời?
Bóng đá là vậy, luôn hấp dẫn, bất ngờ và khó đoán với đầy đủ cung bậc, trạng thái cảm xúc Hỷ - Nộ - Ái - Ố của người trong cuộc.