Với thế hệ 9x, những người theo dõi bóng rổ được khoảng 2-3 năm thôi thì Michael Jordan có thể là 1 cái tên còn xa lạ, nhưng với những khán giả hâm mộ NBA thời gian trước đó thì siêu sao số 23 rõ ràng đã để lại 1 ấn tượng khó phai trong lòng họ. Khi những chiếc TV còn chưa thật sự sắc nét, và chúng ta còn đang sống trong thời khắc chuyển giao giữa 2 thiên niên kỷ thì Jordan đã là 1 thương hiệu toàn cầu. Hãy cùng chúng tôi điểm qua những dấu mốc đáng nhớ nhất trong sự nghiệp của anh.
Michael Jordan (23) tỏa sáng trong màu áo Đại học North Carolina
"Giấc mơ kiểu Mỹ" là 1 câu chuyện thường được người ta kể về 1 cái kết có hậu. Ở đất nước này, mọi điều viển vông nhất đều có thể trở thành hiện thực, nếu bạn thật sự nỗ lực và có thêm may mắn. Michael Jeffrey Jordan là điển hình cho 1 giấc mơ kiểu Mỹ thời kỳ hiện đại, khi quốc gia này chuyển mình hòa nhập rộng hơn với 1 thế giới mở.
Sở dĩ phải nói như vậy bởi Jordan không sinh ra trong 1 gia đình thể thao. Cha mẹ anh đều chỉ là những công nhân viên bình thường. Anh có 1 niềm đam mê bóng rổ ngay từ khi còn ở tuổi thiếu niên và chính điều này đã thay đổi cuộc sống của bản thân. Sau khi tốt nghiệp trung học, Jordan nộp đơn vào Đại học North Carolina cách không xa nơi sinh sống ở Chaper Hill với chuyên ngành Địa lý và Văn hóa. Tại đây, Jordan mới có cơ hội được tỏa sáng và là hạt nhân chính cho những thành công của đội bóng áo xanh. Trong những mùa giải khoác áo đội bóng đại học này anh đã ghi được 17,7 điểm, hiệu suất ném thành công 54% và 5,0 rebounds trung bình trận. Điều này đã khiến cậu sinh viên Michael dành giải thưởng Naismith dành cho các cầu thủ trẻ xuất sắc tại môi trường đại học và nó cũng khiến anh quyết định đi theo con đường thể thao chuyên nghiệp để trở thành 1 cầu thủ NBA.
Michael Jordan trong ngày đầu tiên khoác áo CLB Chicago Bulls
Bulls có lẽ sẽ phải cảm ơn Portland Trail Blazers khi đội bóng bang Oregon bỏ qua Jordan để chọn Sam Bowie tại NBA Draft 1984. Ở môi trường mới, cầu thủ số 23 không mất quá nhiều thời gian để làm quen. Thành tích của anh là 28,2 điểm trung bình trận, thành công 51.5% các pha dứt điểm.Anh nhanh chóng được tờ báo thể thao nổi tiếng là Sport Illustrated giật title: "1 siêu sao đã được sinh ra" chỉ sau 1 tháng thi đấu với tư cách cầu thủ chuyên nghiệp. Danh hiệu tân binh của mùa 1984 – 1985 dành cho Jordan 1 cách xứng đáng
Dù vẫn tiếp tục tỏa sáng với những chỉ số rất cao ở các mùa giải tiếp theo, nhưng những thành tích đó vẫn chưa khiến Jordan mãn nguyện. Anh cùng với siêu sao những năm 50,60 là Wilt Chamberlain trở thành cầu thủ thứ 2 ghi được hơn 3000 điểm trong 1 mùa giải và về nhì trong cuộc bình chọn MVP năm 1987
Những thất bại tại Playoff của Jordan đã chỉ ra thực tế rằng 1 ngôi sao dù có tài giỏi đến đâu mà không có những đồng đội tốt hỗ trợ bên cạnh thì cũng khó có thể làm nên chuyện. Ban lãnh đạo Bulls rất hiểu điều đó và họ chắc chắn không muốn để mất Jordan rơi vào tay 1 CLB có tiềm lực hơn bởi chức vô địch là thứ mà MJ tìm kiếm. Chính vì lý do này mà ở mùa 1989 – 1990, Bulls đã chiêu mộ Scottie Pippen cùng với Horace Grant để đánh cặp với Jordan. Pippen có khả năng phòng thủ thậm chí còn tốt hơn Jordan và hỗ trợ tấn công rât hiệu quả cho ngôi sao số 23, còn Grant là 1 bức tường nơi bảng rổ. Cùng với đó là HLV Phil Jackson – người có những tư tưởng chiến thuật mới mẻ cũng được mời về làm thuyền trưởng ở CLB này. Những con người mới mẻ này đã làm nên 1 Chicago Bulls cực kỳ mạnh mẽ ở 3 mùa giải 1991 – 1992 – 1993. Từ 1 CLB tầm trung, Bulls được toàn thế giới chú ý khi sở hữu Michael Jordan trong đội hình và giành 3 chức vô địch liên tiếp – điều mà phải 30 năm rồi chưa xảy ra. Cùng với đó, Jordan còn có được 3 lần nhận giải cầu thủ xuất sắc nhất mùa, 3 lần nhận giải cầu thủ hay nhất loạt trận chung kết và 1 chức vô địch Olympic
Và khi có được tất cả những thứ cần có của 1 cầu thủ bóng rổ, anh đã đưa ra 1 quyết định của riêng mình
Michael Jordan đột ngột tuyên bố giải nghệ vào ngày 6.10.1993
Vào ngày 6/10/1993, Jordan quyết định họp báo công bố mình sẽ nghỉ hưu, cắt đứt niềm đam mê với trái bóng cam. Anh quyết định điều này vì sau khi người cha của mình bị bắt cóc và sát hại vào ngày 23/6/1993 tại Lumberton, North Carolina. Trong cuốn tự truyện được xuất bản năm 1998 mang tên "Viết cho tình yêu Bóng rổ", Jordan tiết lộ rằng anh thực ra đã muốn giải nghệ từ hè năm 1992- sau khi Dream Team- đội tuyển Mỹ đăng quang tại Olympic Barcelona. Anh hiểu rằng mình đã có đủ những gì cần phải có. Tuyên bố giải nghệ của Jordan đã là 1 cú shock cực lớn không chỉ cho Bulls mà còn ảnh hưởng tới cả danh tiếng của NBA và nó dĩ nhiên là 1 đề tài nóng được các báo khai thác triệt để.
Jordan bắt đầu cuộc sống không bóng rổ với việc tham gia tập luyện cùng đội bóng chày Chicago White Sox-. Sau 1 thời gian tập luyện thì anh đã được đôn lên đội chính và ngày 31/3/1994. Anh nói rằng sở dĩ anh chọn bóng chày là vì ước muốn của cha anh- 1 khi rời xa trái bóng rổ. Mặc dù vậy, Jordan không thành công lắm trong vai trò của 1 cầu thủ bóng chày và anh đã phải chia tay với môn thể thao này sau 1 thời gian ngắn.
Michael Jordan cùng HLV Phil Jackson giành chức vô địch NBA thứ 6 cùng Chicago Bulls
Tạm xa bóng rổ mới biết mình yêu môn thể thao này thế nào, Michael Jordan đã có quyết định trở lại bằng 1 tuyên bố ngắn gọn I’m Back vào tháng 3.1995. Dù cơ thể không còn thanh thoát như 2 năm trước, nhưng với đẳng cấp đã có, anh vẫn đủ sức giúp Bulls vào đến vòng 1 playoff năm đó. 3 mùa giải tiếp theo lại ghi dấu ấn của cầu thủ số 23. Bulls đã có thêm những cầu thủ trẻ trung và giàu khát khao hơn như Toni Kukoc, Steve Kerr. Bên cạnh đồng đội ăn ý Scottie Pippen, Jordan còn có cơ hội được cùng chiến tuyến với Dennis Rodman – cầu thủ trung phong có cá tính mạnh bên cạnh tài năng không phải bàn cãi. Bulls giành được 3 chức vô địch vào các mùa 1996 – 1997 – 1998 trước khi Jordan đưa ra quyết định giải nghệ lần 2. Anh còn trở lại NBA thêm 1 lần nữa vào năm 2000 trong màu áo Washington Wizards nhưng không thành công lắm và quyết định chính thức giải nghệ vào ngày 17-4-2003. Từ năm 2005 đến nay, Jordan chủ yếu làm công tác quản lý, ông trở thành chủ tịch của CLB Charlotte Bobcats vào năn 2010. Vào tháng 4.2014, tạp chí kinh tế Forbes chính thức công nhận Michael Jordan là VĐV đầu tiên trên thế giới có tổng tài sản vượt 1 tỉ $.
Jordan không phải là VĐV đầu tiên có được 1 hãng thể thao uy tín tài trợ cho mình, nhưng thương hiệu Air Jordan từ 1 series giày dành cho ông đã dần trở thành 1 công ty sản xuất đồ thể thao lớn, thuộc tập đoàn Nike. Các đôi giày Air Jordan luôn được đầu tư rất kỹ về kiểu dáng, chất lượng và là sự lựa chọn không thể thiếu trong các bộ sưu tập thời trang thể thao, đặc biệt của những người chơi bóng rổ trên toàn thế giới. Bên cạnh bóng rổ, Jordan còn điều hành những quỹ từ thiện, đóng phim hay tham gia những hoạt động xã hội ý nghĩa khác.