McDonald's và nguyên nhân "chần chừ" 15 năm trước Việt Nam

Lê Huyền-Thứ sáu, ngày 04/10/2013 10:28 GMT+7

Năm 2014, thương hiệu fastfood lớn nhất thế giới McDonald's sẽ tới Việt Nam với cửa hàng đầu tiên tại thành phố HCM. Vậy lí do gì khiến McDonald's lùi lại việc tiến chân vào thị trường Việt Nam tới 15 năm trong khi những đối thủ như KFC, Lotteria, Pizza Hut đã nhanh chân hơn rất nhiều.

1. Nguồn cung ứng thực phẩm chưa thể đáp ứng

Sau khi hiệp định thương mại Việt Mỹ được kí kết năm 2001, cũng giống như rất nhiều các tập đoàn Mỹ khác, McDonald's cũng đã từng nghiên cứu, khảo sát tìm kiếm cơ hội ở một thị trường mới mẻ có sức bật đáng ngạc nhiên về kinh tế chỉ trong vòng 10 năm. Thế nhưng, với phong cách quen thuộc của McDonald's là nhượng quyền và thường sử dụng hơn 90% nguồn cung cấp thực phẩm từ địa phương, thì thời gian đó Việt Nam chưa đáp ứng được các yêu cầu này.

2. Thói quen và định kiến với đồ ăn nước ngoài của người Việt

Đối với một đất nước đã trải qua nền nông nghiệp hàng nghìn năm, việc thay đổi thói quen ăn uống của người Việt với bữa ăn có thịt cùng nước uống có gas và nhiều đường là không hề đơn giản và một sớm một chiều là làm được. Khi KFC vào Việt Nam, họ đã mất đến 7 năm chấp nhận thua lỗ để tạo ra thói quen ăn uống kiểu Tây của người Việt.

‘ Bên cạnh đó, thời điểm những năm 2000, việc hội nhập quốc tế chưa mạnh mẽ như hiện nay nên đa phần người Việt vẫn còn định kiến với đồ ăn nước ngoài và muốn duy trì văn hóa ẩm thực theo đúng thuần phong mỹ tục truyền thống.

3. Mức thu nhập bình quân đầu người còn thấp

Có một thực tế không thể phủ nhận rằng bên cạnh khẩu vị xa lạ, các chuỗi fastfood còn có cái giá khá đắt, trong khi đó thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam thuộc vào hàng thấp nhất thế giới, việc bỏ ra 4 – 6 USD cho một bữa ăn nhanh là không hề dễ dàng. Nếu McDonald's quyết định dừng chân ở Việt Nam vào thời điểm đó, khả năng chịu lỗ để thu lời về sau như KFC là rất lớn. Nhưng đó không phải là lối chơi quen thuộc của ông lớn này, và họ chọn bước đi “chậm mà chắc”, hưởng thành quả thị trường thuận lợi mà các đối thủ đi trước đã dày công “khai hoang”.

4. Phong cách tự phục vụ dễ gây nhàm chán cho khách Việt

Tại Việt Nam, khi đi ăn trong các nhà hàng, nhân viên sẽ hướng dẫn, phục vụ tận tình theo yêu cầu của các “thượng đế”. Thế nhưng, tại các chuỗi cửa hàng của McDonald’s, phong cách tự phục vụ đã trở nên nhất quán trên toàn cầu. Phong cách “tự do” rất Tây này nếu ngày một ngày hai áp dụng ở Việt Nam sẽ dễ gây nên nhàm chán và phiền phức cho các khách hàng khó tính.

5. Điều kiện nhượng quyền không dễ dàng

McDonald's nổi tiếng không chỉ bởi thực đơn những món bánh kẹp và khoai tây chiên ngon tuyệt mà còn bởi điều kiện để nhượng quyền thương hiệu của họ không hề dễ dàng: Đối tác phải là hãng có tiềm lực tài chính lớn, kinh nghiệm kinh doanh, kế hoạch kinh doanh, khả năng quản lý tốt. Những điều kiện trên phải đạt chất lượng cao và phải được đảm bảo gần như tuyệt đối.

‘ Các doanh nghiệp, doanh nhân muốn giành được sự nhượng quyền từ McDonald’s đều nhận thức rõ một điều McDonald’s là thương hiệu của mọi người, nhưng cơ hội kinh doanh từ họ thì không phải cho tất cả. Doanh nhân Nguyễn Bảo Hoàng cũng đã mất tới hơn 10 năm “gõ cửa” McDonald’s để giành được quyền đưa thương hiệu này vào Việt Nam.

Sau 15 năm ngập ngừng, lưỡng lự trước “cánh cửa” Việt Nam, McDonald’s đã tập hợp đầy đủ những yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để tiến chân vào thị trường tiềm năng với hơn 90 triệu dân này. Thế nhưng, thành công hay thất bại vẫn phụ thuộc rất lớn vào chiến lược kinh doanh của họ. Chúng ta sẽ cùng chờ xem “gã khổng lồ” McDonald’s sẽ đem tới những bất ngờ và thú vị nào cho người Việt Nam nói chung và thị trường đồ ăn nhanh trong nước nói riêng.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước