Cô Sanai thường đưa con gái ra chơi ở công viên gần nhà. Cô rất muốn gửi con đi nhà trẻ để có nhiều thời gian rảnh rỗi hơn, nhưng sau 3 năm sinh con, nguyện vọng của cô vẫn chưa được đáp ứng. Cô cho biết mình bị rơi vào một vòng luẩn quẩn, không gửi được con đi nhà trẻ thì không tìm được việc làm nhưng không tìm được việc làm lại dẫn đến việc không gửi được con đi nhà trẻ.
Ở Nhật Bản, chính quyền địa phương chấm điểm các hồ sơ xin gửi con của mỗi gia đình căn cứ theo mức độ bận rộn và khả năng tài chính của bố mẹ. Những người không có việc làm như cô Sanai bị chấm điểm thấp và do vậy nằm cuối danh sách được gửi con đi nhà trẻ.
Theo thống kê, có khoảng 2,4 triệu em nhỏ trong độ tuổi từ 0 đến 5 không được gửi đến các trường mẫu giáo. Việc không gửi được con đi nhà trẻ trong thời gian dài đã tước bỏ cơ hội làm việc của nhiều người phụ nữ và là một trong những lý do quan trọng khiến phụ nữ Nhật Bản ngày càng ngại kết hôn và sinh con. Năm 2018 đã là năm thứ 3 liên tiếp chỉ có chưa tới 1 triệu trẻ em ra đời tại Nhật Bản.
Mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau, tuy nhiên, tỷ lệ sinh giảm vẫn là vấn đề lớn của xã hội Nhật Bản.
Trong những năm gần đây, chính phủ Nhật Bản đã tìm cách nới lỏng các điều kiện khắt khe trong xây dựng nhà trẻ cũng như đào tạo thêm hàng trăm giáo viên trông giữ trẻ. Những hành động này được đánh giá là có hiệu quả nhưng vẫn không thể đảo ngược được tiến trình lão hóa dân số và chính phủ cần làm nhiều hơn mới thay đổi được tâm lý ngại sinh con của những người phụ nữ Nhật Bản.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!