Cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan khi áp dụng bảo lãnh, đặt tiền
Chiều 20/3, tại phiên chất vấn lĩnh vực kiểm sát, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (tỉnh Quảng Bình) đã đặt câu hỏi về vấn đề bảo lãnh và đặt tiền thay thế biện pháp tạm giam.
Bà Nguyễn Minh Tâm cho rằng, theo quy định của Luật Tố tụng hình sự, bảo lãnh và đặt tiền là 2 biện pháp ngăn chặn thay thế tạm giam.
Theo đó căn cứ phải tính chất, mức độ nguy hiểm với xã hội, hành vi, nhân thân của bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể cho họ được bảo lãnh. Căn cứ tính chất, mức độ nguy hiểm với xã hội, hành vi, nhân thân và tình trạng tài sản của bị cáo, cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án có thể cho họ hoặc người thân của họ đặt tiền bảo đảm.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm đặt câu hỏi chất vấn tại điểm cầu tỉnh Quảng Bình
"Như vây, việc thay thế hình thức tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền cần phải đảm bảo căn cứ theo quy định pháp luật, tuy nhiên trong thực tế vẫn phụ thuộc vào ý chí chủ quan của các cơ quan tiến hành tố tụng" – bà Nguyễn Minh Tâm cho biết.
ĐBQH tỉnh Quảng Bình đặt câu hỏi: Với trách nhiệm người đứng đầu cơ quan thực hành quyền công tố và kiểm soát hoạt động tư pháp, đại biểu đề nghị Viện trưởng Viện kiểm sát tối cao đánh giá việc áp dụng các biện pháp này thời gian qua như thế nào?
Trả lời câu hỏi về việc thay thế tạm giam bằng bảo lãnh và đặt tiền, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao Lê Minh Trí cho biết quy định của pháp luật, biện pháp bảo lãnh, đặt tiền được thực hiện thay thế cho tạm giam có những điều kiện chặt chẽ.
Theo đó, khi có cơ quan nhận bảo lãnh phải có giấy cam đoan và có xác nhận của người đứng đầu cơ quan, tổ chức. Đối với cá nhân cần có 2 người đủ 18 tuổi trở lên, nhân thân tốt, chấp hành pháp luật, thu nhập ổn định và có điều kiện quản lý người được bảo lãnh và có xác nhận của chính quyền.
Đối với đặt tiền, liên ngành tư pháp đã có Thông tư liên tịch về việc đặt tiền. Theo đó, cơ quan tố tụng cần thận trọng, khách quan trong việc xem xét, quyết định việc áp dụng hình thức bảo lãnh hoặc đặt tiền thay thế cho biện pháp tạm giam ở cả 3 giai đoạn tố tụng.
Theo Viện trưởng VKSNDTC, với các trường hợp thực hiện bảo lãnh, đặt tiền nhưng sau đó đối tượng bỏ trốn hoặc phạm tội khác tuy không nhiều cần làm rõ việc bảo lãnh, đặt tiền có áp dụng đúng quy định trên hay không. Trường hợp đã áp dụng đúng quy định của pháp luật thì không có trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng. Như năm 2022 có 2 trường hợp ở TP Hồ Chí Minh và Bạc Liêu cũng không có trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng.
Trường hợp không áp dụng đúng thì phải xác định trách nhiệm của từng cơ quan tiến hành tố tụng và từng cá nhân. Trường hợp có vi phạm phạm luật thì tùy tính chất, mức độ vi phạm có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính hay truy cứu trách nhiệm hình sự.
Chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt
Tại phiên chất vấn, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (tỉnh Nam Định cho biết, thời gian qua có một số cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ, bên cạnh những việc làm được có tính đột phá và không có yếu tố vụ lợi thì có những việc làm còn sai sót, thậm chí vi phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị Viện trưởng Lê Minh Trí cho biết quan điểm và các giải pháp để vừa thực hiện tốt nhiệm vụ, không bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm tội phạm tham nhũng, đồng thời bảo đảm thực hiện đúng chủ trương của Đảng về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung?
Về chống oan sai, chống bỏ lọt tội phạm, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cho biết đây là chủ trương xuyên suốt của ngành, nhiệm vụ chính trị hàng đầu, là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong công tác nghiệp vụ. Tuy nhiên, 2 yêu cầu này có sự mâu thuẫn với nhau trong thực tế giữa đấu tranh mạnh mẽ với tội phạm và không để lọt tội phạm là thách thức lớn với các cơ quan tiến hành tố tụng.
Quang cảnh phiên chất vấn tại Nhà Quốc hội
Nhấn mạnh đây là yêu cầu rất cao và ngặt nghèo, do đó thời gian qua, Ban Cán sự và Viện trưởng kiểm sát tối cao yêu cầu toàn ngành là phải quán triệt nghiêm túc lời dạy của Bác Hồ đối với kiểm sát viên là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng, khiêm tốn. Đặc biệt Viện trưởng có một chỉ thị chuyên đề chuyên về chống oan sai, trong đó đưa ra nhiều giải pháp cụ thể.
Trong công tác chuyên môn, nghiệp vụ, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã yêu cầu các kiểm sát viên các cấp thực hiện đầy đủ quy trình, thủ tục và biện pháp do luật tố tụng hình sự quy định gắn chặt với công tố với điều tra ngay từ đầu, nhất là trong thực hiện 7 biện pháp điều tra cơ bản như bắt khám, xét, khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, hỏi cung đối chất về mặt nhận dạng.
Chỉ đạo tập trung làm tốt khâu thụ lý tin báo, tố giác tội phạm để hạn chế oan sai, lọt tội phạm ngay từ đầu. Kiểm sát viên phải yêu cầu xác minh, điều tra và thu thập chứng cứ theo cả 2 hướng buộc tội và gỡ tội; yêu cầu nắm chắc và áp dụng những nội dung nguyên tắc suy đoán vô tội, đảm bảo quyền bào chữa của người bị buộc tội, trọng chứng hơn trọng cung, án tại hồ sơ và không được suy diễn; chứng cứ đến đâu xử lý đến đó; không hình sự hóa các quan hệ dân sự kinh tế và đảm bảo đúng pháp luật. Những vấn đề mới và phức tạp phải tìm hiểu sâu trong lĩnh vực chuyên môn, lắng nghe giải trình với yêu cầu kiểm sát viên phải đảm bảo khách quan, toàn diện trong xem xét, đánh giá chứng cứ, trong xác định tội danh và khung hình phạt phải đảm bảo dự xử lý nghiêm khoan hồng nhân văn thuyết phục.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!