Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng và Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng chủ trì buổi làm việc. (Ảnh: VGP)
*Công tác tổ chức thực hiện có vấn đề
Nhấn mạnh tinh thần của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV là Chính phủ hành
động, liêm chính, kiến tạo phát triển, nói đi đôi với làm, tập trung hoàn thiện
thể chế theo tinh thần thượng tôn pháp luật, chuyển mạnh từ quản lý hành chính
cứng nhắc sang phục vụ doanh nghiệp, nhân dân, tạo điều kiện cho sự phát triển
kinh tế xã hội thông qua thu hút nguồn lực của người dân, Bộ trưởng Mai Tiến
Dũng cho biết, nhiệm vụ kiểm tra của Tổ công tác là thường xuyên. Là Bộ kinh tế
tổng hợp, có chức năng, nhiệm vụ lớn, nhiệm vụ của Chính phủ, Thủ tướng Chính
phủ giao cho Bộ Tài chính là rất nhiều.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đã truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ
đối với Bộ trưởng Bộ Tài chính là cần làm rõ thêm việc xây dựng dự toán giao
cho địa phương chưa siết chặt. Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố vẫn lên Bộ Tài
chính để đề nghị về việc giao dự toán thấp, để có thể thu vượt dự toán, tăng
thu, truy thu để dành cho chi lương và chi đầu tư.
Thủ tướng ghi nhận, vừa qua, Bộ Tài chính đã cải cách mạnh mẽ. Tại các phiên
họp của Chính phủ, Bộ trưởng Tài chính thể hiện rất quyết liệt, có thái độ
thẳng thắn, trách nhiệm với Chính phủ, với đất nước, đặc biệt là việc đổi mới,
cải tiến trong ngành hải quan, thuế, giảm giờ, giảm thủ tục, giảm giấy phép.
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng so với yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, Bộ
Tài chính vẫn phải rà soát, xem xét, kiểm điểm kỹ hơn, thực chất vẫn còn chỗ
này, chỗ khác, doanh nghiệp còn kêu ca phàn nàn, nhất là ở cán bộ thực thi các
cấp. "Tinh thần chỉ đạo là tốt nhưng công tác tổ chức thực hiện là có vấn đề" –
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
Khẳng định Bộ Tài chính luôn xác định xây dựng pháp luật, thể chế là nhiệm vụ
hàng đầu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, nhiều việc Bộ đã đề xuất
và triển khai nhanh với tinh thần đổi mới, một luật sửa 3 luật, 5 luật, tháo gỡ
khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế, hội nhập. Trong quá trình
sửa luật và xây dựng luật, Bộ luôn quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính,
cùng với đó là hiện đại hóa và đổi mới phương thức quản lý. Quản lý thuế, hải
quan từ chỗ tiền kiểm, chuyển sang hậu kiểm, thông quan trước kiểm tra sau,
thuế tự tính, tự khai, tự nộp và tự chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, Bộ trưởng cho
rằng trong quá trình thực hiện còn vấn đề phải tiếp tục cải thiện thể chế.
Dẫn ra con số trong nhiệm kỳ qua, Bộ đã xây dựng 16 luật, 4 nghị quyết của Quốc
hội, 3 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, 99 nghị định, 108 quyết định
của Thủ tướng và 1099 Thông tư, Bộ trưởng cho rằng đây là sự cố gắng nhưng nếu
số lượng ít hơn sẽ tốt hơn vì còn liên quan đến chất lượng. Cần tiếp tục đổi
mới công tác xây dựng thể chế bởi đây mới là yếu tố kích thích sản xuất, tạo ra
nguồn thu.
*Nhận trách nhiệm với Thủ tướng, Tổ công tác
Nhìn lại 170 nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, trong đó có 5 nhiệm vụ quá
hạn chưa hoàn thành, Bộ trưởng nhận trách nhiệm với Thủ tướng, với Tổ công tác
về sự chậm trễ đó; cho rằng số còn lại là rất lớn, sẽ phải cố gắng nhiều hơn
nữa. Bộ trưởng cho biết, triển khai Nghị quyết 19 về cải thiện môi trường kinh
doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Bộ đã có chương trình hành động
cụ thể với 118 sản phẩm đầu ra.
"Giảm giờ làm việc chỉ là bước đầu, cái khó nhất là đi vào thực tiễn. Giảm giờ
là đúng, doanh nghiệp được hưởng lợi ngay nhưng để doanh nghiệp được hưởng một
cách trọn vẹn, khâu tổ chức thực hiện và đặc biệt là tổ chức bộ máy, con người
cụ thể vô cùng hệ trọng. Và cái này phải làm từng bước." – Bộ trưởng nói. Trước
hết, Bộ đã cho rà soát lại 70 quy trình về thuế, đào tạo lại cán bộ, chấn chỉnh
tác phong ứng xử, sửa đổi quy trình nghiệp vụ… Bộ trưởng cam kết với Chính phủ
và tổ công tác sẽ tiếp tục cải cách và đưa cải cách đi vào thực chất. Việc Bộ
mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam vào giám sát cải cách thủ tục
hải quan, thuế cũng chính là nhằm mục đích này.
Thừa nhận có việc "cò cưa" trong xây dựng dự toán và việc Thủ tướng nhắc là
hoàn toàn chính xác, Bộ trưởng cho hay đã chỉ đạo quyết liệt, cán bộ nào thỏa
hiệp với địa phương sẽ kỷ luật và việc này đã có nhiều chuyển biến tích cực.
Những năm qua, việc phối hợp trong triển khai các nhiệm vụ của Bộ với các địa
phương là tốt. Cái yếu của cán bộ thuế hiện nay là không nắm được cơ sở thu hay
nói cách khác, hàng năm năng lực tăng thêm nắm không chắc. Bộ Tài chính sẽ từng
bước đổi mới và cải cách cách lập dự toán, "nhưng đây là quyền lợi của địa
phương nên rất khó, phải từng bước làm rõ hơn" – Bộ trưởng cho biết thêm và cho
hay tới đây Bộ sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy trình dự toán, thông qua
đó sẽ từng bước minh bạch hơn, sát với thực tế hơn.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy trong 5 nhiệm vụ chưa hoàn thành, có 3 nhiệm vụ
liên quan đến việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cần phải nghiên
cứu, đánh giá toàn diện. Đồng thời phải xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương,
cơ quan có liên quan để đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật, phù hợp
giữa các quy định trong nước cũng như cam kết quốc tế và phù hợp với trình tự
xây dựng văn bản theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Giải trình về việc chậm trình Chính phủ ban hành nghị định về chống chuyển giá,
trốn thuế, lãnh đạo Tổng cục Thuế cho biết, đã có công văn gửi 9 Bộ và 5 UBND
nhưng đến nay còn Bộ Kế hoạch, UBND thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ninh chưa
cử người tham gia ban soạn thảo. Theo đại diện Vụ kinh tế tổng hợp (Văn phòng
Chính phủ), chống chuyển giá và trốn thuế là nhiệm vụ phức tạp, cần phải có sự
nghiên cứu thấu đáo và tập trung làm cho kịp.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho rằng, việc xác định chuyển giá là vấn đề nan giải.
Hệ thống dữ liệu để kiểm soát chuyển giá là rất khó, không có kho dữ liệu để
xác định đó là chuyển giá vì doanh nghiệp làm quy trình khép kín, khó có cơ sở.
Đây là vấn đề Chính phủ rất quan tâm nên cần có sự đánh giá, khảo sát và đặc
biệt là các giải pháp để có sự quản lý tốt, chống thất thu, thất thoát; hoàn
thành báo cáo Chính phủ vào tháng 11/2016.
Bộ trưởng Tài chính cho biết Bộ đã rất quyết liệt trong việc chống chuyển giá
nhưng đây là điều không đơn giản, chuyển giá không chỉ ở khâu sản xuất mà ngay
từ khâu đầu tư. Việc xây dựng nghị định là cần thiết nhưng khó vì liên quan tới
tất cả các quy trình và công đoạn trong quy trình, từ cấp phép đầu tư, có thể
chỉ xây dựng nghị định mang tính nguyên tắc.
Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã phê bình nghiêm khắc Vụ hành
chính sự nghiệp về việc triển khai nhiệm vụ trình Thủ tướng dự thảo quyết định
quy định về nội dung, mức chi hoạt động của Hội đồng quản lý bảo hiểm xã hội
Việt Nam; đề xuất việc hướng dẫn khoản 2 Điều 12 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP về
trích kinh phí từ khoản phạt lãi chậm nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp,
bảo hiểm y tế được cơ quan bản hiểm xã hội phát hiện qua thanh tra.
"Báo cáo thể hiện chưa nắm chắc việc này" – Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận
định và đề nghị tập trung làm rõ những cán bộ có trách nhiệm trong việc này,
thời điểm phải thực hiện. Thứ trưởng cũng nhận khuyết điểm với Bộ trưởng,
Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ và quyết tâm thực hiện trình Thủ tướng sau khi
lấy ý kiến Bộ Tư pháp, hoàn thành trước ngày 30/9. Riêng việc hướng dẫn khoản 2
Điều 12 Nghị định số 21/2016/NĐ-CP, nếu nằm trong quyết định khác sẽ xin lùi
thời điểm hoàn thành đến cuối tháng 10/2016.
* Văn phòng Chính phủ nghiêm túc và cải cách lề lối làm việc
Về những góp ý của Bộ Tài chính liên quan đến việc cập nhật theo dõi các nhiệm
vụ được giao, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận thiếu sót. Những
nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao cho bộ, ngành, địa phương, Văn
phòng Chính phủ sẽ nghiêm túc rà soát lại, giao đúng thẩm quyền và tính toán kỹ
thời hạn.
Bộ trưởng cũng cho hay, Văn phòng Chính phủ sẽ tích cực phối hợp, kết nối với Bộ
Tài chính, chỗ nào còn vướng, khó khăn, xung đột giữa các Bộ, Văn phòng Chính
phủ sẽ trực tiếp thảo luận cùng các Bộ để đi đến sự thống nhất cao hơn, tinh
thần không đẩy việc lên Chính phủ, hạn chế thấp nhất, để lãnh đạo Chính phủ
dành thời gian điều hành vĩ mô, giảm áp lực với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
"Văn phòng Chính phủ không trên Bộ nào cả, chỉ là cơ quan tham mưu, giúp việc
cho Chính phủ" – Bộ trưởng khẳng định và cho hay, Văn phòng Chính phủ hết sức
nghiêm túc và cải cách lề lối làm việc.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!