Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030

Ban Thời sự-Thứ hai, ngày 25/04/2022 18:05 GMT+7

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì một cuộc họp của Bộ Chính trị. (Ảnh: TTXVN)

VTV.vn - Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận 34 về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2030.

Căn cứ kết quả 10 năm thực hiện số 72 của Bộ Chính trị khoá X về Chiến lược công tác kiểm tra, giám sát của Đảng đến năm 2020, trong kết luận, Bộ Chính trị yêu cầu:

Mục tiêu tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động của các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu, sự đoàn kết, thống nhất và giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng; chủ động phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn, kiên quyết xử lý suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực trong Đảng và hệ thống chính trị. Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng; bổ sung, hoàn thiện phương pháp, nội dung công tác kiểm tra, giám sát của Đảng trong tình hình mới.

Cấp ủy các cấp ban hành đầy đủ, kịp thời các nghị quyết, chỉ thị, quy định, quy chế về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật; đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền; thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện.

Biểu dương, nhân rộng cách làm hay, điển hình tốt, phát huy sự năng động, sáng tạo của tổ chức đảng, đảng viên trong kiểm tra, giám sát. Ban hành quy chế phối hợp giữa uỷ ban kiểm tra với cơ quan điều tra, thanh tra, kiểm toán, viện kiểm sát, toà án nhân dân cùng cấp; chỉ đạo phối hợp chặt chẽ, không để chồng chéo trong tổ chức thực hiện. Cấp uỷ, nhất là người đứng đầu thường xuyên làm việc với uỷ ban kiểm tra để nắm tình hình, kết quả thực hiện, kịp thời chỉ đạo, định hướng công tác kiểm tra, giám sát của Ủy ban kiểm tra.

Trong kết luận, Bộ Chính trị cũng yêu cầu: Tăng cường kiểm tra, giám sát trách nhiệm của người đứng đầu trong xây dựng pháp luật, kịp thời ngăn chặn vi phạm trong ban hành văn bản pháp luật, lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ. Mở rộng giám sát trên tất cả các địa bàn, lĩnh vực; chú trọng vào những nơi nội bộ có biểu hiện mất đoàn kết, dư luận xã hội quan tâm; chủ động, kịp thời nhắc nhở, cảnh báo, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

Chủ động kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm, tập trung vào những lĩnh vực, địa bàn, vị trí công tác dễ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, nhất là kiểm tra dấu hiệu suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong xã hội. Xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời, triệt để, đồng bộ các tổ chức đảng, đảng viên có vi phạm.

Cấp ủy, người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cấp uỷ viên và cán bộ thuộc diện cấp ủy quản lý phải thường xuyên tự kiểm tra, kịp thời phát hiện những hạn chế, khuyết điểm để chủ động khắc phục, chấn chỉnh. Kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên không đủ năng lực, uy tín; việc miễn nhiệm, từ chức, trách nhiệm người đứng đầu khi cấp có thẩm quyền kết luận đã để xảy ra tham nhũng, tiêu cực.

Ủy ban kiểm tra cấp trên thường xuyên, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn công tác kiểm tra, giám sát, nhất là trong xử lý các vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, các vụ việc về tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, "lợi ích nhóm"; kịp thời xử lý kỷ luật đối với cán bộ, đảng viên suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" ngay tại cơ sở, chi bộ.

Bộ Chính trị cũng yêu cầu, nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; chủ động dự báo sớm, kịp thời tham mưu các chủ trương, đường lối, giải pháp có tính chiến lược trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; ban hành các văn bản của Đảng bảo đảm giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương, tăng cường trách nhiệm, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng.

Kịp thời thể chế hoá chủ trương, quan điểm của Đảng; ban hành các văn bản quy phạm pháp luật để tạo sự đồng bộ, thống nhất trong kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức; hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật... nhằm phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm, khuyết điểm; phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực.

Xây dựng, hoàn thiện các quy định về cơ chế phát hiện, phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên; cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, công chức, việc thực thi quyền lực của cán bộ lãnh đạo, quản lý; quy định các hành vi vi phạm, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; cơ chế kiểm soát tài sản, thu nhập, quyền lực trong công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán.

Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học - công nghệ, xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật từ Trung ương đến cơ sở.

Xây dựng mô hình tổ chức bộ máy cơ quan uỷ ban kiểm tra các cấp đồng bộ, thống nhất, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Phân định rõ tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ. Xây dựng đội ngũ cán bộ kiểm tra liêm khiết, công minh, chính trực, có bản lĩnh, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. Ban hành tiêu chí, tiêu chuẩn, khung năng lực cán bộ làm công tác kiểm tra.

Thực hiện luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp. Nghiên cứu, điều chỉnh chế độ, chính sách đối với cán bộ làm công tác kiểm tra các cấp. Xây dựng giáo trình, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cấp uỷ viên, uỷ viên uỷ ban kiểm tra các cấp. Nghiên cứu, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định thí điểm cơ chế đại hội đảng bộ bầu uỷ ban kiểm tra; uỷ ban kiểm tra cấp trên lựa chọn, giới thiệu, chuẩn y thành viên ủy ban kiểm tra cấp dưới.

Bộ Chính trị yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng chỉ đạo quán triệt, xây dựng chương trình, kế hoạch, tổ chức thực hiện Kết luận này. Ủy ban Kiểm tra Trung ương xây dựng Kế hoạch thực hiện; phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Kết luận, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước