Chủ tịch nước chủ trì phiên họp Ban chỉ đạo cải cách Tư pháp Trung ương

Hồng Phúc (Ban Thời sự)-Thứ sáu, ngày 18/09/2015 19:29 GMT+7

Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương họp phiên thứ 22 dưới sự chủ trì của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban chỉ đạo. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã chủ trì phiên họp thứ 22 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương.

Hôm nay (18/9), tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Trưởng ban Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương đã chủ trì phiên họp thứ 22 nhằm xây dựng một Đề án chung về phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động tư pháp.

Chủ tịch nước và các thành viên đã nghe, thảo luận và cho ý kiến đối với từng đề án của ngành Tòa án, Kiểm sát và Tư pháp Quân đội về thực trạng và giải pháp phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong nội bộ ngành.

Theo đánh giá của thường trực Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, nhìn chung các đề án được trình bày tại phiên họp được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, tiếp thu nhiều ý kiến có tính chất chuyên ngành trong nước và quốc tế cũng như của các tầng lớp nhân dân, dư luận xã hội. Tuy nhiên, các đề án còn có nhiều điểm trùng lặp hoặc chưa phân biệt rõ ràng giữa phương hướng, nhiệm vụ và giải pháp. Đặc biệt, Thường trực Ban chỉ đạo yêu cầu các cơ quan tư pháp cần bổ sung các giải pháp khắc phục hiện tượng móc ngoặc, cấu kết giữa kiểm sát viên, điều tra viên, thẩm phán, luật sư trong quá trình tố tụng. Xây dựng và ban hành quy trình chặt chẽ khi thực hiện nhiệm vụ cũng là điểm được cho là quan trọng nhằm ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng trong hoạt động của các cơ quan tư pháp. Các đại biểu cũng đề cập đến việc cần thiết phải xác định rõ trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan, đơn vị.

Phát biểu kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhấn mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực trong các hoạt động tư pháp là một đề án cần thiết vì liên quan đến danh dự, hình ảnh của các cơ quan đại diện cho quyền lực Nhà nước nhưng đồng thời cũng là chỗ dựa của nhân dân, đại diện cho quyền lợi nhân dân. Đề án phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong các hoạt động tư pháp được xây dựng với mong muốn không để xảy ra những tiêu cực dù là nhỏ nhất tại các cơ quan tư pháp. Những người "cầm cân, nảy mực" là hình ảnh của công lý, của Nhà nước pháp quyền Xã hội chủ nghĩa. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên phải hết sức cầu thị, tiếp tục hoàn thiện các đề án của từng ngành. Nếu làm tốt sẽ củng cố lòng tin của xã hội vào pháp luật, vào chế độ. Chủ tịch nước đề nghị các thành viên Ban chỉ đạo dựa trên hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước, các chỉ thị, kết luận nghị quyết của Đảng để chọn lọc và rút ra những điểm chung. Đồng thời, trên cơ sở nhận diện thực tiễn đầy đủ và sâu sắc hơn, đưa ra những nhận định sát sườn, có ý nghĩa thực hành cao, tránh rơi vào tình trạng chung chung, mơ hồ.

Theo Chủ tịch nước việc xây dựng Đề án này phải đáp ứng được yêu cầu giáo dục lòng tự trọng, tính tự giác và danh dự của từng cá nhân trong hệ thống tư pháp, một việc khó nhưng phải bắt tay làm vì nếu không sẽ ảnh hưởng lớn đến vấn đề lòng tin. Bên cạnh đó, để có một hệ thống tư pháp trong sạch, liêm chính phải chú ý ngay từ đầu công tác tuyển dụng, đào tạo cán bộ. Xu thế chung Việt Nam đang học hỏi và hướng tới là cán bộ không muốn, không dám và không thể tiêu cực. Để làm được cần một hệ thống luật pháp, cơ chế hoạt động tư pháp lành mạnh, minh bạch, công khai, có chế độ đãi ngộ phù hợp. Chủ tịch nước cũng lưu ý đến cơ chế phối hợp, tính liên thông của hệ thống tư pháp trong việc phát huy ưu điểm, khắc phục nhược điểm phát sinh từ cấu trúc bộ máy; tiếp tục nghiên cứu và đề xuất các quy chế, chế định đảm bảo thực hiện có hiệu quả quan điểm của Đại hội 11: quyền lực đi liền với cơ chế giám sát.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam  TV Online.

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước