Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tham quan mô hình phát triển thủy sản trên lòng hồ sông Đà ở huyện Cao Phong.
Chủ tịch nước cùng đoàn công tác đã đến thăm vườn cam của Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Phong (xã Tây Phong, huyện Cao Phong), thăm mô hình nuôi cá lồng bè trên lòng hồ sông Đà thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Minh Tín, xã Thung Nai, huyện Cao Phong (xã Thung Nai, huyện Cao Phong).
Đây là hai mô hình kinh tế tiêu biểu, phát huy thế mạnh của "bốn nhà" trong đó có doanh nghiệp và nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong nuôi trồng mang lại hiệu quả cao.
Sản phẩm cam Cao Phong với doanh thu 500-700 triệu đồng/ha, nhiều hộ trồng cam đã thu 2-3 tỷ đồng mỗi năm.
Sau nhiều năm mở rộng diện tích, đến nay, toàn huyện Cao Phong đạt 1.200ha cam thương phẩm, trở thành huyện có diện tích trồng cam cao nhất cả nước.
Huyện Cao Phong đã dành ngân sách nhằm khuyến khích các hộ trồng cam, nhất là những vùng lân cận với thị trấn để tiếp cận với khoa học công nghệ; khuyến khích liên kết chia lợi nhuận giữa các hộ để hình thành các vườn cam "đại điền."
Đặc biệt, trên cơ sở tận dụng đất rừng của nông trường Cao Phong trước đây, Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cao Phong đã áp dụng mô hình quản lý mới, thực hiện chỉ dẫn địa lý để bảo vệ thương hiệu cam Cao Phong.
Tận dụng diện tích mặt nước vùng lòng hồ, doanh nghiệp Minh Tín đã nhập khẩu các giống cá lăng, diêu hồng, trắm đen... chất lượng cao, đưa về chăm sóc với chế độ nuôi dưỡng đặc biệt, cung ứng ra thị trường Hà Nội và các tỉnh thành miền Bắc với giá thành 200.000-300.000 đồng/kg.
Làm việc với lãnh đạo tỉnh Hòa Bình, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho rằng Hòa Bình giữ được nhịp độ tăng trưởng khá trong bối cảnh chung khó khăn là kết quả tích cực, đặc biệt đời sống người dân qua khảo sát cho thấy có nhiều chuyển biến. Các chương trình nông thôn mới phát huy hiệu quả trong thực tế.
Việc thực hiện Nghị quyết cho thấy cấp ủy bám sát cơ sở. Tuy nhiên mặt bằng một số lĩnh vực còn chưa bằng mức bình quân chung của cả nước là điều trăn trở trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo nói chung. Bên cạnh những thành tựu, Hòa Bình vẫn còn một số tồn tại tiềm ẩn mất ổn định như buôn bán ma túy... cần khắc phục sớm.
Về đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội nhiệm kỳ qua, Chủ tịch nước đề nghị Hòa Bình tổng kết rút kinh nghiệm với các thế mạnh như vị trí cận kề Thủ đô, du lịch, văn hóa... so sánh tương quan, để làm rõ vì sao những ưu thế chưa được khai thác triệt để.
Tranh thủ lợi thế gần Thủ đô, Hòa Bình có thể đón đầu làn sóng đầu tư, thông qua cơ chế ưu đãi, thủ tục hành chính đơn giản, nguồn nhân lực cạnh tranh; mở các tuyến đường cao tốc kết nối với các thành phố kinh tế trọng điểm.
Thời điểm hội nhập, mở cửa thị trường đang cận kề, thử thách có nhiều nhưng Hòa Bình cũng có cơ hội đưa các sản phẩm có thương hiệu ra thế giới. Điều này càng đòi hỏi lãnh đạo địa phương phải hết sức khẩn trương, tranh thủ, huy động nội lực, cộng với sự hỗ trợ của Trung ương để thúc đẩy tăng trưởng.
Chủ tịch nước đề nghị tỉnh rà soát từng mặt mạnh, để các chỉ tiêu năm 2015 đạt cao hơn năm 2014, tạo được chuyển biến đáng kể trước thềm Đại hội.
Ghi nhận những đề xuất của tỉnh, Chủ tịch nước nhấn mạnh về chính sách nếu còn vướng mắc sẽ sớm được tháo gỡ. Đặc biệt là các Bộ ngành quản lý những lĩnh vực thế mạnh của Hòa Bình như nông nghiệp, cần tạo điều kiện thuận lợi nhất để Hòa Bình thực hiện các mục tiêu chiến lược.
Trước đó, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng đoàn công tác đã vượt lòng hồ sông Đà, đến khảo sát đời sống kinh tế-xã hội của 560 hộ dân xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc. Đây là các hộ dân xã nhường lại đất đai thổ cư của cha ông để lại, di chuyển đến địa điểm mới, dành mặt bằng cho thi công Nhà máy thủy điện Hòa Bình.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam TV Online.