Tham nhũng vặt làm xói mòn lòng tin của người dân
Chất vấn về lĩnh vực thanh tra sáng 5/11, đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh) cho biết, hiện nay tình trạng tiêu cực, tham nhũng trong thực hiện các thủ tục hành chính đang có xu hướng gia tăng mạnh, nhất là trong quan hệ giao dịch, lĩnh vực xây dựng, đất đai, kinh doanh. Hiện tượng tham nhũng vặt đã và đang làm xói mòn lòng tin của người dân.
Tuy nhiên, những công cụ kiểm soát hành chính như kiểm tra, thanh tra, giám sát hiện nay chưa đủ điều kiện để kịp thời phát hiện và xử lý. Đại biểu đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp nào để thúc đẩy phát hiện và xử lý tình trạng tham nhũng, tiêu cực này một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới?
Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thanh Phương (tỉnh Tây Ninh)
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong đồng ý với đại biểu về việc còn tồn tại tình trạng công chức, viên chức giải quyết công vụ, trong đó có cán bộ thanh tra gây phiền hà, cố tình kéo dài thời gian trả lời người dân hoặc trả lời chung chung, chưa sát với công việc, nhiệm vụ được giao để người dân phải đi lại nhiều lần.
"Thậm chí nhiều người còn vòi vĩnh bằng nhiều hình thức khác nhau để vụ lợi cá nhân" – ông Đoàn Hồng Phong cho biết.
Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính còn chậm, chưa đạt yêu cầu, có thủ tục còn rườm rà, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp. Ngoài ra, một số ngành vẫn còn hiện tượng giấy phép con.
Quang cảnh phiên chất vấn
Đại biểu Trần Văn Tiến (Vĩnh Phúc) nêu ra tình trạng vi phạm đạo đức công vụ và đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ đánh giá về đạo đức công vụ của cán bộ thanh tra và giải pháp trong thời gian tới.
Ông Đoàn Hồng Phong nhận định cán bộ thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra nói chung đã cơ bản thực hiện quy định về đạo đức công vụ của Đảng, Nhà nước.
Tuy nhiên, cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập trong công tác thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ lấy ví dụ vụ thanh tra Bộ Xây dựng ở Vĩnh Phúc và một số vụ nhiều năm trước. Dư luận cũng đánh giá cán bộ thanh tra nói chung và thanh tra Chính phủ nói riêng còn gây phiền hà, nhũng nhiễu, chưa đúng theo quy định để vụ lợi cá nhân.
Ông Đoàn Hồng Phong nêu lại ý kiến của Chủ tịch nước cho biết về việc còn xảy ra việc cán bộ thanh tra dễ dãi, giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra. Trong thời gian tới, Thanh tra Chính phủ sẽ tiếp thu ý kiến đánh giá để sửa đổi quy định chặt chẽ hơn.
Bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra
Đặt câu hỏi tại phiên chất vấn, Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông) cho biết, trong thời gian qua, còn xảy ra tình trạng cùng một đơn vị, địa phương nhưng trong một thời gian ngắn phải tiếp và làm việc với nhiều đoàn thanh tra Nhà nước, thanh tra chuyên ngành kiểm tra, kiểm toán. Nội dung có thể khác nhau nhưng làm việc liên tục như vậy sẽ ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của các đơn vị.
ĐBQH tỉnh Đắk Nông đề nghị Tổng thanh tra cho biết giải pháp trong phối hợp với các cơ quan kiểm tra, kiểm toán để khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp này trong thời gian sắp tới?
Đại biểu Dương Khắc Mai (tỉnh Đắk Nông)
Về vấn đề này, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, các cơ quan thanh tra, kiểm toán đã phối hợp với nhau để mà từng bước khắc phục, xử lý chồng chéo. Trong quá trình tổ chức thanh tra nếu phát hiện ra sự chồng chéo, 2 cơ quan có sự bàn bạc. Trường hợp không xử lý được sẽ báo cáo Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán nhà nước để trực tiếp trao đổi, thống nhất xử lý.
Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho biết thêm trong thời gian tới, sẽ sửa đổi Luật Thanh tra để có quy định về xử lý chồng chéo cũng xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các cuộc thanh tra nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi, phát hiện và xử lý chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra.
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) chỉ ra con số: Trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn Ngành thanh tra đã tổ chức 6.301 cuộc thanh tra chính và 157.974 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành. Như vậy bình quân mỗi ngày có 608 cuộc thanh tra, kiểm tra.
Theo đại biểu Yến, hiện nay không những các địa phương, các cơ quan cũng rất bức xúc vì thanh tra, kiểm tra rất nhiều, làm ảnh hưởng đến chất lượng cũng như kết luận của thanh tra, của ngành thanh tra. Đại biểu đề nghị Tống Thanh tra Chính phủ có giải pháp khắc phục, nâng cao chất lượng của các cuộc thanh tra, kiểm tra.
Đại biểu Nguyễn Thị Yến (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)
Về vấn đề xử lý chồng chéo giữa thanh tra và kiểm toán, Tổng Thanh tra Chính phủ nêu một số giải pháp như khi tham mưu thủ trưởng quyết định định hướng chương trình thanh tra hàng năm, cần lưu ý hạn chế số lượng thanh tra để đảm bảo chất lượng, có trọng tâm, trọng điểm, trong đó có các vụ việc được dư luận xã hội quan tâm, "không vì số lượng mà vì chất lượng".
"Thanh tra Chính phủ tiến hành 15, 16 cuộc thanh tra mỗi năm cũng không phải là nhiều. Quan trọng nhất là thanh tra bộ ngành xuống các địa phương và thanh tra địa phương. Rất mong thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thanh tra lưu ý việc này" - Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết.
Bên cạnh đó, tới đây Thanh tra Chính phủ sẽ thực hiện định hướng thanh tra, phối hợp chặt chẽ hơn với Kiểm toán nhà nước để xử lý triệt để trong việc lên kế hoạch, phối hợp giữa bộ ngành, địa phương, hạn chế số lượng thanh tra nhiều như hiện nay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!