Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Nguyễn Nga-Thứ tư, ngày 25/08/2021 13:51 GMT+7

VTV.vn - Điện Biên Phủ là nơi thể hiện bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - một thiên tài quân sự, một vị tướng huyền thoại.

Ngày 25/8, kỷ niệm 110 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, cũng là dịp để nhắc nhớ mỗi người những câu chuyện về vị Đại tướng đầu tiên và trẻ nhất trong lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng đã đưa ông lên tầm cao của các danh tướng thế giới.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: "Sức mạnh của quân đội chúng tôi nằm ở tinh thần chiến đấu và sự ủng hộ vô hạn của nhân dân, ngoài ra còn có cả nghệ thuật quân sự nữa".

Những chia sẻ ấy của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được lịch sử minh chứng với những dấu ấn của ông trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh 1.

Bộ chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ: Chủ tịch Hồ Chí Minh (giữa), Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp (ngoài cùng bên phải) và các đồng chí trong Bộ chỉ huy chiến dịch. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh 2.

Bộ Chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 bàn kế hoạch tác chiến dưới sự chỉ đạo của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Ảnh: Triệu Đại – TTXVN

Năm 1953, hơn 16.200 quân đã được thực dân Pháp huy động để xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương, "một pháo đài không thể công phá" với mục đích "nghiền nát" bộ đội chủ lực của ta, hi vọng trong 18 tháng "sẽ chuyển bại thành thắng".

Đại tướng kể lại: "Lúc đầu họ tới đây mới chỉ là 1 điểm phòng vệ chứ chưa phải là 1 doanh trại kiên cố. Tất nhiên, chúng tôi có thể tấn công chớp nhoáng nhưng càng ngày chúng tôi càng thấy rõ là họ đang củng cố doanh trại".

Đại tướng Võ Nguyên Giáp được Bộ Chính trị giao trọng trách làm Tổng tư lệnh, trực tiếp chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ. Phương châm tác chiến ban đầu của ta là "đánh nhanh, thắng nhanh". Thế nhưng, ngày 26/1/1954, trước ngày nổ súng đánh Điện Biên Phủ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã thực hiện một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình.

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh 3.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp quan sát trận địa Điện Biên Phủ lần cuối trước khi phát lệnh nổ súng tấn công. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Dấu ấn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong chiến dịch Điện Biên Phủ - Ảnh 4.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp duyệt đội hình các đơn vị bộ đội tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954 ngay tại mặt trận. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Đó là cần chuyển phương châm tiêu diệt địch từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc". Nay quyết định hoãn cuộc tiến công, ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu". (Trích: Tổng tập Hồi ký Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Kế hoạch thay đổi phút chót, chiến thuật thay đổi linh hoạt, trận khai hỏa chiến dịch được chuyển sang ngày 13/3/1954 với việc tấn công vào cứ điểm Him Lam.

Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy nam châu, chấn động địa cầu" gắn liền với vai trò, trí tuệ và bản lĩnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng tư lệnh của chiến dịch. Chiến thắng này đã trở thành mốc son chói lọi, chấm dứt hoàn toàn ách xâm lược của thực dân Pháp trên đất nước ta và các nước trên bán đảo Đông Dương, mở ra những nấc thang mới của lịch sử của dân tộc, tiến tới thống nhất nước nhà.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước