ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề xuất 3 nguyên tắc và 3 tầng chống dịch COVID-19

Tạ Hiển-Chủ nhật, ngày 25/07/2021 17:44 GMT+7

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định Nguyễn Lân Hiếu phát biểu. Ảnh: TTXVN

VTV.vn - Trước Quốc hội, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu nêu ra 3 nguyên tắc chung để cả nước chống dịch: chống lây lan tối đa, giảm tỷ lệ tử vong tối đa, bảo đảm phát triển kinh tế.

Liên quan đến công tác phòng chống COVID-19, đại biểu Đỗ Thị Lan (tỉnh Quảng Ninh) đánh giá, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, số ca nhiễm tăng nhanh ở một số tỉnh. Đại biểu thống nhất cao việc quốc hội kịp thời đưa vào nội dung ở nghị quyết của kì họp về tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 trong tình hình mới.

ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đề nghị Chính phủ rà soát, đánh giá kết quả thực hiện các chỉ thị 15 và 16 trong thời gian vừa qua để có sự nhìn nhận đánh giá một cách toàn diện, để có thể ban hành chính sách chỉ thị mới để nhằm phòng chống dịch bệnh, đáp ứng với yêu cầu có những biến chủng mới và phòng chống dịch bệnh trong tình hình mới.

Đại biểu Lan đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả hơn; tăng cường cường nguồn cung cấp vaccine đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch tiêm phòng cho người dân; giảm thiểu số ca nhiễm và tử vong.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đề xuất 3 nguyên tắc và 3 tầng chống dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh Đỗ Thị Lan phát biểu. Ảnh: TTXVN

Bà Đỗ Thị Lan cũng lấy ví dụ thực tế tại Quảng Ninh cho thấy việc xây dựng kịch bản phòng chống dịch chi tiết tổ chức nghiêm túc và tốt tất cả các khâu như kiểm soát, truy vết, khoanh vùng, tổ chức cách ly.

Các cấp ủy, chính quyền, các ngành, đoàn thể cũng như tổ dân khu phố và người dân tham gia một cách tích cực, nắm bắt các thông tin chỉ đạo của tỉnh hàng ngày.

"Nhờ đó thì sẽ không có ca lây nhiễm trong cộng đồng, cơ bản khống chế được dịch bệnh trên địa bàn" - ĐBQH tỉnh Quảng Ninh cho biết.

Tranh luận với đại biểu Đỗ Thị Lan, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (tỉnh Bình Định) cho rằng, không thể lấy ca nhiễm của một tỉnh được coi là tiêu chí thành công: "Với chủng delta, chúng ta không thể biết được. Có khi buổi sáng thức dậy là tỉnh mình đã bùng phát. Do đó tiêu chí để chống dịch tốt chính là chúng ta có kịch bản đầy đủ cho việc tránh bùng phát dịch".

Đại biểu Hiếu nhấn mạnh rất cần thiết có nguyên tắc chung của cả nước để chống dịch. Theo đó, có 3 nguyên tắc: chống lây lan tối đa, giảm tỷ lệ tử vong tối đa (ít nhất là thấp hơn hoặc tương đương với các nước xung quanh), bảo đảm phát triển kinh tế.

Về nguyên tắc thứ 3, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu đề nghị cần chia hệ thống chống dịch thành 3 tầng như Bộ Y tế đã hướng dẫn cụ thể.

Tầng thứ nhất đã làm từ đầu mùa dịch là các bệnh viện dã chiến, chăm sóc người nhiễm F0. Vì họ không có triệu chứng nên nhiệm vụ của chúng ta là không bỏ sót các triệu chứng sớm khiến họ trở thành bệnh nhân thực sự.

Chính vì vậy, cách ly tập trung trong bệnh viện dã chiến cần thực hiện nghiêm túc quy trình theo dõi chặt chẽ điều kiện sinh hoạt bảo đảm. Ở những vùng bị dịch bùng phát, có thể triển khai cách ly F0 tại nhà.

Những người nhiễm không triệu chứng, đủ điều kiện cách ly tại nhà được thực hiện gói chăm sóc như nhân viên y tế điện thoại 2 ngày/lần, sử dụng app, tủ thuốc điều trị tại nhà...; được cung cấp đánh số và sử dụng theo hướng dẫn của các nhà chuyên môn. Cuối cùng khi bệnh trở nặng, cũng cần có xe đón để đưa bệnh nhân tới nhập viện.

Tầng 2 - đã triển khai rộng rãi từ nhiều năm nay - là các bệnh viện, trung tâm y tế, tuyến huyện điều trị các bệnh nhân mức độ vừa, chưa cần thở máy hay can thiệp lọc máu. Tuyến này cần đào tạo nhân viên y tế, nắm chắc khuyến cáo của Bộ Y tế, đánh giá mức độ chính xác để không chuyển tuyến quá sớm hoặc quá muộn. Ngoài trang bị kiến thức phải khẩn trương các trang thiết bị, thuốc men… Nguồn lực có thể từ ngân sách địa phương và các nhà hảo tâm.

Tầng 3 – đại biểu Hiếu cho biết đây là tầng quan trọng nhất mà chúng ta lại yếu nhất. Đây là các trung tâm y tế nặng, nguy kịch, cần khẩn trương hoàn thành các trung tâm này chỉ nhận và điều trị các bệnh nhân cần thở máy, lọc máu hay hỗ trợ ECMO. Nguồn lực của trung ương và địa phương cần tập trung vào đây sao cho số giường ICU không thấp hơn 5% tổng số ca nhiễm ước tính. Ví dụ ước tính 100.000 bệnh nhân thì phải có 5.000 giường ICU dành cho COVID-19.

Chia sẻ thêm trên mạng xã hội, PGS. TS. Nguyễn Lân Hiếu cho biết, Việt Nam tổng hiện có 400 máy lọc máu cấp cứu và 70 máy ECMO, nhưng Mỹ dân số gấp 3 lần Việt Nam hiện có 50,000 máy lọc máu cấp cứu và 3,000 máy ECMO. Tuy nhiên, Mỹ vẫn có nhiều người chết khi dịch cao điểm vì không đủ máy. Việc thiếu hụt trung tâm cấp cứu bệnh nhận nặng và nguy kịch là việc cấp thiết hiện nay.

"Công cuộc chống dịch COVID còn rất dài chính vì vậy vẫn còn thời gian cho dù rất ngắn để rút kinh nghiệm những sai lầm vừa qua, nhanh chóng xây dựng một chính sách nhất quán khoa học sớm áp dụng trên phạm vi toàn quốc" - đại biểu tỉnh Bình Định nêu rõ.

Bộ y tế khảo sát Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM Bộ y tế khảo sát Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại TP.HCM

VTV.vn - Bộ y tế đã có chuyến khảo sát Trung tâm điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ vừa và nặng mới đi vào hoạt động tại TPHCM.

Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước