Giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống

Tạ Hiển-Thứ hai, ngày 08/03/2021 14:37 GMT+7

VTV.vn - PGS.TS Nguyễn Viết Thông đánh giá cao tầm nhìn rất xa của Đại hội XIII và cho rằng giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống.

Đại hội XIII của Đảng đã thành công rất tốt đẹp, đúng như phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại phiên bế mạc. Đại hội đã thảo luận, biểu quyết một số vấn đề và thông qua các văn kiện.

Với phương châm "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", các văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã tập trung đánh giá, tổng kết toàn diện thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII gắn với việc đánh giá 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới; đóng góp ý kiến về phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021 - 2025); mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045.

Giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Ảnh 1.

Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra mắt Đại hội. Ảnh: VGP

Với việc Nghị quyết Đại hội được thông qua với tỷ lệ đồng thuận cao, cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước đã bày tỏ tin tưởng và kỳ vọng vào tiền đồ của đất nước.

Để tìm hiểu rõ hơn về những điểm mới nổi bật và tầm nhìn của các văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Báo điện tử VTV News đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Với vai trò là Ủy viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, ông đánh giá đâu là những điểm mới nổi bật và tầm nhìn của các văn kiện Đại hội XIII?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Đại hội XIII có tầm nhìn rất xa. Nó thể hiện ở 2 điểm. Đầu tiên là đánh giá tình hình. Đại hội XIII không chỉ kiểm điểm 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII mà còn kiểm điểm 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung phát triển năm 2011, cũng là 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2011 - 2020).

Đại hội này còn nhìn lại 35 năm Đổi mới và 35 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Về phương hướng nhiệm vụ, Đại hội không chỉ xác định cho 5 năm tới mà xác định cho 10 năm tới (2030), cho 25 năm tới (2045). Ý nghĩa của 5, 10 và 25 năm tới rất đặc biệt. Đến 2025, chúng ta kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Đến năm 2030, đây là năm có dấu ấn đặc biệt là kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng. Đến năm 2045, dấu ấn là 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Đấy là tầm nhìn không chỉ về tương lai xa mà còn nhìn lại một quá trình dài.

Đây chính là điểm mới của Đại hội XIII đáng nói nhất.

Giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Ảnh 2.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông, Tổng thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương, Ủy viên thường trực Tổ biên tập của Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIII của Đảng

Điểm thứ 2 là chủ đề Đại hội được Đại hội thảo luận, biểu quyết thông qua với hơn 95% đại biểu đồng ý là "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phát huy ý chí, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh thời đại; tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới; xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định; phấn đấu đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

So với Đại hội XII có một số nhận thức mới trong chủ đề Đại hội XIII, đáng chú ý là 3 điểm sau:

Thứ nhất, bổ sung "xây dựng hệ thống chính trị" vào nội dung xây dựng Đảng thành "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh".

Thứ hai, nêu "khát vọng phát triển đất nước" và bổ sung "kết hợp với sức mạnh thời đại".

Thứ ba, xác định mục tiêu "đến giữa thế kỷ XXI nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa".

Điểm mới thứ ba, từ thực tế 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII nói riêng và từ thực tế 35 năm đổi mới, Đại hội XIII đã rút ra bài học kinh nghiệm rất sâu sắc.

Điểm mới tiếp theo là Đại hội đã đưa ra những nhận thức mới, dự báo tình hình thế giới, khu vực trong nước. Đáng nói nhất, chúng ta đưa ra nhận định: Hòa bình, hợp tác và phát triển là xu thế lớn, song đang đứng trước nhiều trở ngại, khó khăn, thách thức. Toàn cầu hóa là xu thế nhưng bị thách thức bởi chủ nghĩa thực dân tộc cực đoan.

Chúng ta nhận định kinh tế thế giới lâm vào khủng hoảng, suy thoái nghiêm trọng và có thế còn kéo dài do tác động của đại dịch COVID-19. Chúng ta cũng nhận định, Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là công nghệ số phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực, tạo ra cả thời cơ và thách thức đối với mọi quốc gia, dân tộc.

Về khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Đông Nam Á, Đại hội XIII nêu những dự báo mới: Tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng, phức tạp, quyết liệt hơn.

Về tình hình trong nước, Đảng ta khẳng định sau 30 năm đổi mới, đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay. Nhưng cũng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm trước nhiều thách thức, mối nguy cơ mà Đảng ta đã dự báo vẫn còn. Những thách thức tới đây sẽ là xu hướng già hóa dân số, biến đổi khí hậu và vấn đề bảo vệ chủ quyền.

Điểm mới nổi bật nữa, Đại hội đã biểu quyết thông qua hệ quan điểm chỉ đạo. Trong các quan điểm chỉ đạo, tại Đại hội vừa rồi đã biểu quyết thông qua quan điểm thứ hai là bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia, dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế bình đẳng, cùng có lợi.

Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần, bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu thường xuyên.

Một điểm mới nữa là cách tiếp cận mới trong xác định mục tiêu tổng quát đến giữa thế kỷ và mục tiêu đến 2025, 2030, 2045. Trong 30 năm đổi mới có những lúc chúng ta tiếp cận theo trình độ công nghiệp, có những đại hội tiếp cận theo trình độ phát triển và bình quân thu nhập đầu người.

Ở Đại hội XI, chúng ta khẳng định đất nước ta đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, ra khỏi tình trạng nước kém phát triển, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp. Lần này, Đại hội XIII có một bước mới về tiếp cận, xác định mục tiêu kể cả theo trình độ phát triển, trình độ công nghiệp và thu nhập bình quân đầu người.

Một điểm mới nữa là trong Báo cáo chính trị đề ra 12 định hướng phát triển đất nước trong 10 năm tới. Trên cơ sở 12 định hướng được xác định trong Báo cáo chính trị, báo cáo về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) được cụ thể hóa.

Mục tiêu cụ thể:

- Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp.

- Đến năm 2030, kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao.

- Đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nay là Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Một điểm mới nữa là những nhiệm vụ, giải pháp phát triển đất nước trong 5 năm tới. Điểm mới đáng chú ý nữa là Đại hội XIII đề ra 6 nhiệm vụ trọng tâm và 3 khâu đột phá chiến lược.

Nếu nói tóm gọn, điểm mới của văn kiện Đại hội XIII chính là thể chế, sáng tạo, khát vọng. Đại hội lần này nói nhiều đến vấn đề xây dựng, hoàn thiện thể chế phát triển, không chỉ thể chế kinh tế thị trường. Phải đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước, phồn vinh, hạnh phúc.

Như ông đã nêu ở trên, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII đã rút ra những bài học kinh nghiệm nào, thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Từ thực tiễn công cuộc đổi mới, trực tiếp là 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Đại hội XIII rút ra năm bài học kinh nghiệm như sau:

Bài học đầu tiên về Đảng, Đại hội xác định: Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng phải được triển khai quyết liệt, toàn diện, đồng bộ, thường xuyên cả về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ; kiên định, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; thường xuyên củng cố, tăng cường đoàn kết trong Đảng và hệ thống chính trị; thực hiện nghiêm các nguyên tắc xây dựng Đảng, thường xuyên đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.

Xây dựng Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện; hoàn thiện cơ chế kiểm soát chặt chẽ quyền lực; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác cán bộ phải thực sự là "then chốt của then chốt", tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên theo phương châm chức vụ càng cao càng phải gương mẫu nhất là Ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Bí thư, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương.

Nhận thức mới trong bài học trên là xây dựng Đảng và cán bộ.

Giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Ảnh 4.

PGS.TS Nguyễn Viết Thông trao đổi với phóng viên VTV News

Bài học thứ hai về dân, nhận thức mới là bổ sung "dân giám sát, dân thụ hưởng""lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu". Đại hội xác định: Trong mọi công việc của Đảng và Nhà nước, phải luôn quán triệt sâu sắc thực hiện nghiêm túc quan điểm "dân là gốc"; thật sự tin tưởng, tôn trọng và phát huy quyền làm chủ của nhân dân, kiên trì thực hiện nguyên tắc "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng".

Bài học thứ ba về lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện. Nhận thức mới là đề cao trách nhiệm của người đứng đầu gắn liền với phát huy sức mạnh đồng bộ của hệ thống chính trị.

Bài học thứ tư về thể chế, Đại hội xác định: Tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kế thừa và đổi mới, ổn định và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hoá, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển vãn hoá, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường; giữa phát triển kinh tế, xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; giữa độc lập, tự chủ với tăng cường đối ngoại, hội nhập quốc tế; thực sự coi trọng, phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hoá, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.

Bài học thứ năm về quốc phòng, an ninh, đối ngoại, Đại hội xác định: Chủ động nghiên cứu, nắm bắt, dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ; kiên quyết, kiên trì bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thô của Tố quốc đi đôi với giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển đất nước; chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện và sâu rộng trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường; xử lý đúng đắn, hiệu quả mối quan hệ với các nước lớn và các nước láng giềng, đánh giá đúng xu thế, nắm bắt trúng thời cơ; phát huy hiệu quả sức mạnh tổng hợp của đất nước kết hợp với sức mạnh của thời đại; khai thác, sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Nhận thức mới nổi bật là "chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện".

So với các đại hội trước, Báo cáo chính trị Đại hội XIII nêu ra vấn đế mới là hệ quan điểm chỉ đạo. Những quan điểm này là gì thưa ông?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Báo cáo chính trị Đại hội XIII có mục nêu hệ quan điểm chỉ đạo. Đây là một trong những nhận thức mới nổi bật. Báo cáo chính trị nêu các quan điểm cơ bản sau:

Quan điểm 1 nêu những vấn đề có tính nguyên tắc trong công cuộc đổi mới: Kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Đây là những quan điểm có tính nguyên tắc, bất di, bất dịch. So với các đại hội trước, Đại hội XIII bổ sung "kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng".

Quan điểm 2 nêu chiến lược tổng thể phát triển đất nước nhanh, bền vững: Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Quan điểm 3 nêu động lực phát triển: Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam, bồi dưỡng sức dân, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, có cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Quan điểm 4 nêu nguồn lực phát triển: Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; nêu cao ý chí độc lập, tự chủ, chủ động, tích cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Quan điểm 5 nêu những nhân tố có ỷ nghĩa quyết định thành công sự nghiệp xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc. Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng, tăng cường bản chất giai cấp công nhân của Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, năng lực cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, toàn diện, xây dựng Nhà nước tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước, bảo vệ Tổ quốc.

Vậy theo ông, để Nghị quyết nhanh chóng đi vào cuộc sống cần có những chủ trương, giải pháp như thế nào?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông: Phát biểu bế mạc Đại hội, đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã nói, cũng như nhiệm kỳ trước, thông qua văn kiện là một bước rất quan trọng. Nhưng bước quan trọng tiếp theo là phải đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Giờ là lúc hành động để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống - Ảnh 5.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội XIII. Ảnh: VGP

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đã yêu cầu phải phổ biến nhanh kết quả Đại hội XIII. Đồng thời, chuẩn bị một đợt nghiên cứu, quán triệt, học tập Nghị quyết Đại hội XIII. Theo tôi được biết, Ban Tuyên giáo Trung ương đã chuẩn bị dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về vấn đề này. Tới đây, Bộ Chính trị sẽ họp và thông qua Chỉ thị về việc nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII.

Trong phát biểu của đồng chí Tổng Bí thư cũng đã chỉ rõ là các cấp ủy Đảng từ Trung ương, cơ sở phải căn cứ vào quyết sách Đại hội XIII để xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết. Bây giờ là đến lúc hành động, hành động và hành động để đưa Nghị quyết vào cuộc sống.

Nghị quyết Đại hội XIII: Tầm nhìn và định hướng phát triển Nghị quyết Đại hội XIII: Tầm nhìn và định hướng phát triển

VTV.vn - Đây là văn kiện vô cùng quan trọng, không chỉ có ý nghĩa trước mắt mà còn có ý nghĩa chiến lược lâu dài đối với sự phát triển của đất nước.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước