Thảo luận tại tổ, hầu hết các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với những chính sách được đề xuất sửa đổi trong Luật dược.
Tuy nhiên, do thuốc là mặt hàng có ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và tính mạng của con người vì vậy hoạt động bán thuốc, quảng bá bán thuốc cần được quản lý chặt chẽ trong luật.
Bà Đoàn Thị Hảo, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên cho biết: "Hiện nay, những quảng cáo, quảng bá sản phẩm chức năng nhiều khi lẫn lộn với thuốc chưa bệnh. Người dân khi tiếp cận là rất khó khăn. Đối với luật sửa đổi lần này thì phải làm rõ trách nhiệm, khi luật sửa đổi ban hành thì phải giải quyết được những tồn tại, vướng mắc, khó khan bất cập hiện nay".
Về quy định đấu thầu thuốc, có đại biểu cho rằng, đối với những loại thuốc hiếm, chỉ có 1 nhà sản xuất, hoặc là chỉ có 1 loại sản phẩm thì cần có chính sách khác để mua thuốc phục vụ điều trị bệnh nhân. Cùng với đó cần làm rõ khái niệm tổ chức chuỗi nhà thuốc trong dự thảo Luật.
"Nên bổ sung them loại thuốc hiếm, cho phép đàm phán giá. Hiện tại Điều 53 Luật đấu thầu quy định chỉ cho phép mua sắm tập trung, và thời gian sẽ lâu, trong khi những thuốc này thị trường chỉ có một nhà sản xuất, một loại sản phẩm". - ông Phạm Như Hiệp, Đại biểu Quốc hội tỉnh Thừa Thiên Huế nêu ý kiến.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Đại biểu Quốc hội TP Hà Nội chỉ ra rằng: "Dự thảo luật thì chưa làm rõ khái niệm, tổ chức chuỗi nhà thuốc theo quy định tại khoản 47 bổ sung điều 2 quy định là chuỗi nhà thuốc là hệ thống các nhà thuốc hoạt động kinh doanh dược theo hệ thống chất lượng thống nhất do doanh nghiệp tổ chức chuỗi nhà thuốc đặt ra. Chúng tôi cho rằng điều này chưa hợp lý. Thống nhất như thế nào và có cao hơn tiêu chuẩn GP không? Đây là nội dung đề nghị làm rõ".
Cho ý kiến vào Luật Di sản sửa đổi, một số ý kiến cho rằng công tác quản lý di sản văn hoá cần phân công, phân cấp triệt để cho địa phương.
Bà Đỗ Thị Lan, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh đề nghị: "Trên 3.600 di tích quốc gia, có rất nhất các di tích không muốn tu bổ, vì quy trình thủ tục quá phức tạp, mất rất nhiều thời gian. Chúng tôi đề nghị giảm thiểu các quy định thủ tục hành chính và phân cấp mạnh cho các địa phương".
Bên cạnh đó, có đại biểu đề nghị bổ sung quy định về quản lý cổ vật do người dân phát hiện, khai thác được. Thực tế cho thấy, việc giao dịch, mua bán những cổ vật này vẫn xuất hiện thường xuyên.
Bà Trần Thị Thanh Lam, Đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre chỉ ra rằng: "Vận có những người dân tìm thấy hoặc sở hữu những cổ vật, di vật mang tính giá trị cao. Nhưng khi nhà nước hoặc bảo tang đặt vấn đề mua thì cơ chế, giá cả, thủ tục không phù hợp thì cũng không buôn bán được. Nhưng những tư nhân bên ngoài thì mua được. Do đó tôi đề nghị có them cơ chế chính sách để tạo điều kiện cho các cơ quan nhà nước"
Sáng mai, Quốc hội họp phiên toàn thể thảo luận về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 - 2035.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!