Dự kiến hơn 800 đại biểu tham dự Hội thảo Văn hóa năm 2022
Hội thảo Văn hóa năm 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" sẽ được tổ chức vào ngày 17/12 tại Trung tâm Văn hóa Kinh Bắc, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân công chủ trì, phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo.
Chủ trì Hội thảo là Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng và các đại diện Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Hội thảo. Tổng số khách mời tham dự Hội thảo dự kiến khoảng hơn 800 đại biểu.
Sự kiện nhằm tiếp tục triển khai Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và phát biểu chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 2021.
Đây là diễn đàn để các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức có liên quan và các nhà quản lý, nhà khoa học trong, ngoài nước tham gia báo cáo, thảo luận nhằm làm rõ các căn cứ lý luận, thực tiễn; trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị hoàn thiện thể chế, chính sách và các giải pháp đẩy mạnh việc huy động, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực cho bảo tồn, phát triển văn hóa theo chủ trương, đường lối của Đảng. Việc tổ chức Hội thảo cũng hướng tới kỷ niệm 80 năm Đề cương Văn hóa Việt Nam (1943 - 2023).
Hội thảo được truyền hình trực tiếp trên Truyền hình Quốc hội Việt Nam, kết nối với một số điểm cầu trong cả nước và phát trực tuyến trên nền tảng Internet.
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội giới thiệu chương trình Hội thảo
Ông Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, Hội thảo gồm 2 phiên (phiên chuyên đề và phiên toàn thể) với 3 nhóm nội dung chính: Thể chế, Chính sách và Nguồn lực phát triển văn hóa. Mỗi phiên sẽ có 1 báo cáo trung tâm, các tham luận và phần thảo luận của các diễn giả, chuyên gia (phần thảo luận với hình thức trao đổi, thảo luận bàn tròn).
Trong Phiên chuyên đề, Hội thảo sẽ nghe phát biểu khai mạc của lãnh đạo Quốc hội, phát biểu đề dẫn của lãnh đạo Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, báo cáo của các bộ, ngành Trung ương, ý kiến tham luận và thảo luận của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, lãnh đạo các địa phương, cơ sở đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, các chuyên gia về quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hóa, về thực trạng bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa và những vấn đề đặt ra qua các góc nhìn khác nhau.
Trong Phiên toàn thể, Hội thảo sẽ tiếp tục nghe phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các báo cáo đánh giá về chính sách, pháp luật và nguồn lực cho phát triển văn hóa; kinh nghiệm quốc tế của một số nước và ý kiến tham luận, thảo luận của lãnh đạo một số địa phương, các chuyên gia trong nước, quốc tế, doanh nghiệp.
Trong khuôn khổ Hội thảo, có triển lãm về văn hóa, nghệ thuật vùng Kinh Bắc tại sảnh Hội trường chính.
Ông Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh, với việc tổ chức Hội thảo Văn hóa 2022, Ban Tổ chức hy vọng góp phần đẩy mạnh thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật cụ thể và triển khai các nguồn lực một cách thiết thực, hiệu quả để xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hoá thật sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.
Nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ
Tại buổi Họp báo, đại diện Ban Tổ chức Hội thảo Văn hóa năm 2022 cũng đã giải đáp, trả lời các câu hỏi của các nhà báo, phóng viên.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho biết, Hội thảo sẽ bàn về 3 vấn đề lớn dưới góc độ quản lý nhà nước, đó là vấn đề thể chế, chính sách và nguồn lực. Cho rằng thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, thậm chí còn điểm nghẽn, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục nhấn mạnh, nếu nghiên cứu một cách thỏa đáng, sâu sắc, toàn diện và giải quyết được các vấn đề thì sẽ khơi thông được những nguồn lực, tạo được môi trường tốt hơn để văn hóa phát triển. Với tinh thần đó, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, các tham luận của Hội thảo sẽ tập trung vào xem xét, đánh giá, phân tích theo các nhóm vấn đề lớn này. Ngoài ra, còn rất nhiều bài bàn luận sâu sắc về các nhiệm vụ của văn hóa để thấy rõ được tầm quan trọng của văn hóa, phát triển văn hóa là bảo đảm phát triển bền vững cho đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh - Trưởng Ban tổ chức Hội thảo phát biểu
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Đắc Vinh cũng cho rằng còn những vấn đề khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ nên cần nghiên cứu thỏa đáng, toàn diện nhằm khơi thông nguồn lực phát triển cho văn hóa.
Ông Nguyễn Đắc Vinh nhấn mạnh: "Nguồn lực của nhà nước đầu tư cho văn hóa là không nhỏ. Tuy nhiên, có đáp ứng được những yêu cầu trong thực tế hay chưa thì qua đánh giá cần phải tính toán lại một cách cẩn thận và thực tế đầu tư nguồn lực từ ngân sách nhà nước cho văn hóa vẫn có những khó khăn nhất định, cần phải được quan tâm, tăng cường hơn nữa. Do đó, bên cạnh nguồn lực từ nhà nước, cũng cần phải khai thông thêm các nguồn lực xã hội để đầu tư cho phát triển văn hóa. Muốn khai thông được cần sửa đổi thể chế, xây dựng những chính sách phù hợp để tạo ra sức hấp dẫn, hiệu quả trong đầu tư cho phát triển văn hóa".
Trưởng Ban tổ chức Hội thảo cho rằng, qua các tham luận, tổng hợp các ý kiến tại Hội thảo, Ban Tổ chức Hội thảo sẽ có những kiến nghị đối với các cơ quan có thẩm quyền để xem xét sửa đổi, bổ sung hoàn thiện về vấn đề thể chế, chính sách và cố gắng bảo đảm cho được nguồn nhân lực cũng như các thủ tục tài chính để phát triển văn hóa theo đúng mục tiêu mà Đảng đã nêu ra và đúng tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021. Ông Nguyễn Đắc Vinh cũng tin tưởng, Hội thảo sẽ là dịp để bàn luận, thảo luận các vấn đề quan trọng liên quan đến văn hóa để đưa ra các quyết sách đúng, các giải pháp sát với thực tiễn để triển khai tốt hơn, đi vào cuộc sống càng nhanh càng tốt.
Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy trả lời câu hỏi của phóng viên
Liên quan đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho biết: Công tác đào tạo, xây dựng, bố trí cán bộ làm công tác văn hóa là nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước rất quan tâm với việc ban hành các đề án, chiến lược phát triển đội ngũ văn hóa, nghệ thuật. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã hoàn thiện dự thảo trình Chính phủ liên quan đến nhiệm vụ này. Trong đó, đã đánh giá việc sắp xếp, bố trí đội ngũ cán bộ làm văn hóa ở Trung ương, địa phương và nhận thấy nhiều địa phương chưa thật sự bố trí cán bộ đúng với năng lực, sở trường. Đây cũng là nội dung sẽ được đề cập, trao đổi tại Hội thảo để tìm ra các giải pháp, cụ thể hóa thành chính sách lớn về công tác cán bộ làm văn hóa, nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Thị Thủy, hiện nay, Bộ đang xây dựng nghị định về chính sách đặc thù cho lực lượng văn nghệ sĩ. Bởi chế độ đãi ngộ cho đội ngũ này còn bất cập, nhất là lĩnh vực đặc thù như múa, xiếc… Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Nội vụ để nghiên cứu, đề xuất giải pháp để có chính sách bố trí, phân công, đãi ngộ phù hợp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!