Không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm" trong văn bản pháp luật

Tạ Hiển-Thứ ba, ngày 18/04/2023 16:42 GMT+7

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu kết luận về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

VTV.vn - Đây là một nội dung được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan lưu ý trong xây dựng pháp luật.

Trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Căn cước công dân tại Kỳ họp thứ 5

Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường vừa có thông báo về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 22 về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Theo đó, về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất như sau:

Về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân, Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi): Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, quyết định bổ sung các dự án này vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 theo quy định tại Điều 51 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi), dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và dự thảo Nghị quyết về Thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh: Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về nội dung đồng thời với việc xem xét đề nghị bổ sung các dự án này vào Chương trình Kỳ họp thứ 5 tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 và phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023).

Về 3 dự án Luật đã được Quốc hội khóa XIV cho ý kiến, bao gồm Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, Luật Đường bộ, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ: Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về nội dung tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 4/2023 để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định việc bổ sung vào Chương trình.

Trình Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung 4 dự án, bao gồm Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6; bổ sung dự án Pháp lệnh Chi phí tố tụng vào Chương trình năm 2023.

Xin ý kiến của Chính phủ về dự án Luật Bản dạng giới

Về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất:

Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 7 đối với 6 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6, bao gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Luật Lưu trữ (sửa đổi), Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp, Luật Thủ đô (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ theo quy trình tại một kỳ họp.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7 đối với 9 dự án luật, bao gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Luật Công chứng (sửa đổi), Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, Luật Di sản văn hóa (sửa đổi), Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn, Luật Địa chất và Khoáng sản, Luật Phòng không nhân dân, Luật Tư pháp người chưa thành niên, Luật Công đoàn (sửa đổi).

Trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với 9 dự án luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7.

Trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 đối với dự án Luật Việc làm (sửa đổi).

Không để xảy ra tình trạng lồng ghép lợi ích nhóm trong văn bản pháp luật - Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí – Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội trình bày Tờ trình đề nghị xây dựng Luật Bản dạng giới.

Đối với dự án Luật Bản dạng giới: Giao Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Xã hội, Bộ Tư pháp, Bộ Y tế làm việc với đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí về việc tiếp thu ý kiến thẩm tra, ý kiến của Chính phủ để hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật, trong đó cần làm rõ phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh và tên gọi của Luật, nội dung các chính sách, các vấn đề liên quan, thời gian trình, chủ thể trình…, tiếp tục gửi xin ý kiến Chính phủ và Thường trực Ủy ban Xã hội, Ủy ban Pháp luật có ý kiến thẩm tra trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét tại phiên họp thứ 23 (tháng 5/2023). Giao Văn phòng Quốc hội, Viện Nghiên cứu lập pháp và các cơ quan, tổ chức có liên quan hỗ trợ đại biểu theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Đối với dự án Luật Dân số (sửa đổi): Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan có liên quan tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến thẩm tra, hoàn thiện hồ sơ đáp ứng đúng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung vào Chương trình năm 2024.

Siết chặt kỷ cương, đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong xây dựng pháp luật

Cũng trong Kết luận, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo nghiên cứu, rà soát để đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp đưa vào Chương trình năm 2023, năm 2024, kịp thời thể chế hóa Nghị quyết số 07-NQ/TW của Bộ Chính trị về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, đáp ứng yêu cầu thực tiễn; trong đó, cần tập trung nghiên cứu, xử lý nội dung liên quan đến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu để kiến nghị sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bảo đảm kịp thời áp dụng cho kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2024.

Đối với đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, xây dựng Luật Phát triển công nghiệp đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến, giao lại Chính phủ tiếp tục chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ để trình bổ sung vào Chương trình: đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Đề nghị Chính phủ và các cơ quan khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét, quyết định việc đưa vào Chương trình đối với 41 nhiệm vụ lập pháp đã hoàn thành việc nghiên cứu, rà soát; đồng thời, tiếp tục thực hiện nghiên cứu, rà soát đối với 25 nhiệm vụ lập pháp khác và xác định các nhiệm vụ lập pháp mới cần bổ sung theo đúng tiến độ yêu cầu để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trong công tác lập và thực hiện Chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan lưu ý:

Quán triệt nguyên tắc những vấn đề cấp bách, đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh và có sự thống nhất cao thì mới xây dựng, ban hành luật điều chỉnh để bảo đảm tính ổn định của hệ thống pháp luật; những vấn đề tuy cấp bách, cần thiết, nhưng là vấn đề mới, chưa được kiểm nghiệm trong thực tiễn, chưa đạt sự đồng thuận cao thì tiếp tục nghiên cứu, làm rõ.

"Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu trong xây dựng pháp luật; kiên quyết chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không bị chi phối, tác động bởi các hành vi không lành mạnh của bất cứ tổ chức, cá nhân nào, không để xảy ra tình trạng lồng ghép "lợi ích nhóm", lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật" - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ.

Bên cạnh đó, cần khắc phục hạn chế trong việc chuẩn bị hồ sơ dự án, bảo đảm chất lượng, thời hạn trình theo đúng quy định, đề xuất các dự án luật để bảo đảm tính "gối đầu" cho Chương trình của năm sau. Hạn chế tối đa việc đề xuất quy định trong nghị quyết của Quốc hội các nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của luật.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước