Lấy phiếu tín nhiệm: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu mất đoàn kết nội bộ

Tạ Hiển-Thứ sáu, ngày 09/06/2023 17:04 GMT+7

VTV.vn - Về việc lấy phiếu tín nhiệm, các đại biểu Quốc hội đã đề xuất bổ sung về các hành vi nghiêm cấm, trách nhiệm trong lấy phiếu, căn cứ lấy phiếu….

Bổ sung việc cấm sử dụng "lợi ích phi vật chất" để mua chuộc đại biểu

Tại phiên thảo luận của Quốc hội chiều 9/6, các đại biểu khẳng định sự cần thiết ban hành Nghị quyết về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân (HĐND) bầu hoặc phê chuẩn (sửa đổi). Các đại biểu cũng cho ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Nghị quyết.

Điều 8 dự thảo Nghị quyết quy định các hành vi bị nghiêm cấm, dự thảo Nghị quyết quy định lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để vận động hoặc có hành vi trái pháp luật tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Sử dụng hoặc hứa tặng, cho, ủng hộ tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất để vận động, lôi kéo, mua chuộc tác động đến đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân trong việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm. Làm sai lệch mức độ tín nhiệm hoặc lợi dụng lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm để làm giảm uy tín của người khác, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ…

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) đề nghị nghiên cứu bổ sung "lợi ích phi vật chất" gồm những lợi ích như phần thưởng, hứa hẹn chức vụ… để để bao quát nhiều trương hợp hơn tương tự như trong Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao.

Lấy phiếu tín nhiệm: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu mất đoàn kết nội bộ - Ảnh 1.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa (Nam Định)

Về trách nhiệm trong lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Hoa cho biết, đến nay vẫn chưa ghi nhận trường hợp nào lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ ở tập thể lớn nhưng với các HĐND cấp xã hoàn toàn có xảy ra.

"Ở cấp xã, chỉ cần 1 nhóm người dòng họ chi phối, thao túng số phiếu sẽ gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ" – ĐBQH tỉnh Nam Định nhấn mạnh.

Trích dẫn phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là "Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ", đại biểu Hoa đề nghị bổ sung vào dự thảo Nghị quyết nội dung: Người đứng đầu và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm trong trường hợp để xảy ra tình trạng lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm gây mất đoàn kết nội bộ. Đồng thời cần làm tốt việc nắm tình hình và công tác tư tưởng để phòng ngừa từ sớm, từ xa.

Về việc sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Mai Thị Phương Hoa cho biết, Quy định 96 của Trung ương quy định kết quả lấy phiếu tín nhiệm không chỉ sử dụng để xử lý cán bộ có số phiếu tín nhiệm thấp ở mức cao mà còn sử dụng để đánh giá cán bộ, làm cơ sở cho công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử và thực hiện chế độ chính sách đối với cán bộ, quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ có tín nhiệm cao.

Do đó, đại biểu Hoa đề nghị đối với những người có số phiếu tín nhiệm cao ở mức cao thì kết quả này phải được sử dụng như thế nào và vào việc gì thì cũng cần phải được thể hiện trong lần sửa đổi Nghị quyết này.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (tỉnh Hải Dương) lại đề nghị rà soát làm rõ tiêu chí sự gương mẫu của bản thân và vợ, chồng, con trong việc chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước làm căn cứ đánh giá mức độ tín nhiệm đối với người được lấy phiếu tín nhiệm bỏ phiếu tín nhiệm; trong đó làm rõ hơn nhóm đối tượng có quan hệ gia đình gần gũi với người được lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thu Nguyệt (tỉnh Đắk Lắk) đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu phạm vi đối tượng lấy phiếu tín nhiệm do HĐND bầu, phê chuẩn. Theo đó, chức vụ Bí thư đảng ủy cấp xã không do hội đồng bầu cử của HĐND bầu, phê chuẩn nên không được lấy phiếu tín nhiệm. Điều này gây khó khăn trong đánh giá cán bộ cấp cơ sở, nảy sinh nhiều vấn đề.

Liên quan hệ quả của lấy phiếu tín nhiệm, đại biểu Nguyễn Minh Sơn (tỉnh Tiền Giang) đề nghị quy định về cho thôi đại biểu Quốc hội đối với người có kết quả tín nhiệm thấp.

Quốc hội khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào tháng 10/2023

Giải trình ý kiến của các đại biểu vể dự thảo Nghị quyết, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh, việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm là hoạt động giám sát quan trọng, là phương thức định kỳ để đánh giá cán bộ tự soi, tự sửa, tự hoàn thiện mình.

Lấy phiếu tín nhiệm: Người đứng đầu phải chịu trách nhiệm nếu mất đoàn kết nội bộ - Ảnh 2.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh giải trình ý kiến của các đại biểu

Qua 3 lần lấy phiếu tín nhiệm vào các năm 2013, 2014, 2018, hoạt động này đã góp phần nâng cao vai trò, trách nhiệm, nâng cao nặng lực hiệu quả của người được lấy phiếu tín nhiệm.

Làm rõ về khái niệm lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm, bà Nguyễn Thị Thanh nhấn mạnh. bỏ phiếu là hệ quả của lấy phiếu. Điều này sẽ được làm rõ hơn trong dự thảo Nghị quyết.

Về phạm vi thực hiện, các quy định về lấy phiếu tín nhiệm kể từ Quốc hội khóa XIII đã cho thấy tính hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.

"Phạm vi các đối tượng như vậy là phù hợp. Có một số đối tượng không được lấy phiếu tín nhiệm là do không phải do Quốc hội bầu, hoặc do HDND bầu. Các đối tượng trong dự thảo Nghị quyết đã mang tính kế thừa, phù hợp với các luật, phù hợp với thực tiễn" – bà Thanh nhấn mạnh.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu về bổ sung tiêu chí, căn cứ lấy phiếu như sự gương mẫu của người thân, gia đình, tác động phi vật chất, bổ sung thêm vê thực hiện gương mẫu thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Về cách tính tỷ lệ phiếu, Quy định 96 của Trung ương lấy kết quả dựa trên số phiếu thu về. Tuy nhiên, Nội quy kỳ họp Quốc hội lại lấy theo tổng số phiếu là số phiếu có tính chất pháp lý, tính cả đại biểu vắng mặt nhưng có triệu tập.

Về thời hạn tổ chức, bà Thanh cho biết việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra 1 lần vào năm thứ 3 của nhiệm kỳ. Theo đó, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV sẽ lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 6 (dự kiến tổ chức vào tháng 10/2023) trong khi các HĐND sẽ lấy phiếu vào kỳ họp cuối cùng của năm 2023.

Nội dung chi tiết ý kiến của các đại biểu sẽ được Ban Công tác đại biểu phối hợp với Ủy ban Pháp luật tiếp thu, chỉnh lý trình UBTVQH để Quốc hội quyết định.

Phát biểu kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nhấn mạnh, các đại biểu đã góp ý tâm huyết, kỹ lưỡng về nhiều vấn đề như văn phong, kỹ thuật văn bản, hầu hết các chương đều được góp ý. UBTVQH sẽ nghiêm túc nghiên cứu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để trình Quốc hội biểu quyết thông qua vào kỳ họp này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước