Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN
Chủ trì cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đề nghị thành phố rà soát, đánh giá quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để xem xét, điều chỉnh đáp ứng nhu cầu người học, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính, công tác quản lý nhà nước, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở giáo dục; đổi mới quản trị nhà trường theo hướng tinh gọn, hiện đại, minh bạch.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, Thành phố nên mạnh dạn giao cơ chế tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập; đồng thời, tăng cường và mở rộng hợp tác với các đối tác quốc tế, tạo điều kiện cho các giáo viên, giảng viên nước ngoài hoặc người Việt Nam ở nước ngoài tham gia giảng dạy. Thành phố nên có cơ chế xã hội hóa, thu hút nhiều nhà đầu tư xây dựng các trường ngoài công lập và có cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho những nhà đầu tư này.
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng yêu cầu Thành phố tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ hơn, đồng thuận, chia sẻ với những khó khăn của ngành giáo dục hiện nay, đồng thời, phát động các phong trào thi đua, đổi mới sáng tạo trong giảng dạy và học tập.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên bày tỏ mong muốn Quốc hội ủng hộ Thành phố thí điểm các cơ chế trong lĩnh vực giáo dục, làm cơ sở nhân rộng ra cả nước - Ảnh: VGP/Vũ Phong
TP Hồ Chí Minh sẵn sàng thí điểm các chính sách trong giáo dục
Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên cho rằng, đổi mới trong giáo dục cần chú ý tới yếu tố tăng dân số. Mỗi năm, TP tăng thêm 200.000 dân và trên 40.000 học sinh. Khi dân số tăng thì sẽ là áp lực cho đội ngũ giáo viên, vậy nên cần có kế hoạch dài hạn để phát triển đội ngũ giáo viên.
Theo Bí thư Thành ủy, đội ngũ giáo viên là yếu tố quan trọng nhất. Phải có chính sách thu hút nguồn lực theo yêu cầu, theo vị trí, việc làm; phải tính đến việc bồi dưỡng chuyên môn, tạo điều kiện thuận lợi để giáo viên bám nghề, phát triển nghề.
Người đứng đầu Thành ủy cũng thừa nhận, TP Hồ Chí Minh còn nhiều trường, nhiều cơ sở giáo dục với phương tiện, thiết bị rất cũ kỹ, chưa đáp ứng việc dạy và học. Ông đề xuất ngành giáo dục phải đổi mới và đa dạng sách giáo khoa; làm sao để giảm giá, giảm áp lực cho học sinh nghèo.
Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 31 cho phép TP Hồ Chí Minh thí điểm các chính sách, cơ chế vượt trội, vì vậy, ông Nên bày tỏ mong Quốc hội ủng hộ Thành phố thí điểm các cơ chế này trong lĩnh vực giáo dục để phát triển ngành giáo dục căn bản và toàn diện hơn, làm cơ sở nhân rộng ra cả nước.
Theo Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Thành phố sẽ đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung của Thành phố - Ảnh: VGP/Vũ Phong
Đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch chung TP Hồ Chí Minh
Tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND Thành phố Phan Văn Mãi bày tỏ, đối với mảng văn hóa - giáo dục, TP Hồ Chí Minh gặp rất nhiều khó khăn. Dân số của Thành phố trên hệ thống quản lý là 10 triệu người nhưng thực tế có tới hơn 13 triệu người.
Ông Mãi cho hay, nếu xét theo tiêu chuẩn của ngành GD&ĐT thì TP Hồ Chí Minh thiếu khoảng 5.000 phòng học và chiếu theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ XI với 300 phòng học/1 vạn dân thì Thành phố thiếu 6.000 phòng học. Ông lấy ví dụ, huyện như Bình Chánh từng có thời điểm có những trường trên 90 lớp, học đến 3 ca và có những lớp sĩ số trên 50 học sinh.
Người đứng đầu chính quyền Thành phố cho biết thêm, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo xây dựng đề án tự chủ trong y tế, giáo dục, văn hóa. Trước khi dịch COVID-19 diễn ra, nhiệm vụ này có khả năng thực hiện được nhưng sau đại dịch, các đơn vị gặp nhiều khó khăn, không có nguồn thu, khó thực hiện tự chủ.
Ngoài ra, Thành phố đã yêu cầu ngành giáo dục chủ trì phối hợp với các sở, ngành rà soát lại quy hoạch phát triển giáo dục Thành phố. Đến thời điểm này, Sở GD&ĐT đã cơ bản xong phần rà soát và đang lấy ý kiến các sở, ngành; sau đó, sẽ đưa quy hoạch phát triển giáo dục vào quy hoạch kinh tế xã hội, quy hoạch chung của Thành phố, từ đó bố trí lại đất đai, nguồn lực để phát triển cơ sở vật chất và bố trí nguồn lực để đáp ứng yêu cầu phát triển của Thành phố.
Trong Quý II/2023, Thành phố cũng sẽ thảo luận để thông qua Đề án về tự chủ văn hóa, giáo dục, thể thao, từ đó huy động thêm nguồn lực cho phát triển giáo dục.
Các kiến nghị của thành phố sẽ được Đoàn giám sát tổng hợp, nghiên cứu nhằm hoàn thiện Báo cáo kết quả giám sát trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời gửi đến Chính phủ, các bộ, ngành liên quan.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!