Nhân sự Đại hội XIII: Xem xét trường hợp đặc biệt phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân

Tạ Hiển-Thứ tư, ngày 23/09/2020 07:14 GMT+7

VTV.vn - Việc xem xét trường hợp đặc biệt trong công tác nhân sự thì phải vì lợi ích của Đảng, lợi ích của Nhân dân, không thể vì lợi ích nhóm, vì lợi ích của một bộ phận nào cả.

Cùng với cơ cấu nhân sự 3 độ tuổi trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII, tại Hội nghị Trung ương lần thứ 12 khóa XII của Đảng, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh về "trường hợp đặc biệt".

Theo đó, trường hợp đặc biệt nào cần phải cơ cấu vào Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư ngoài độ tuổi theo quy định thì Bộ Chính trị cân nhắc, trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc đề cử với Đại hội Đảng.

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016), Trung ương đã giới thiệu 5 trường hợp đặc biệt về tuổi. Có 1 trường hợp đặc biệt trong Bộ Chính trị là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 4 trường hợp đặc biệt được giới thiệu vào Ban Chấp hành Trung ương gồm các ông: Uông Chu Lưu, Đỗ Bá Tỵ, Bùi Văn Nam và Huỳnh Phong Tranh; trong đó chỉ có ông Huỳnh Phong Tranh không trúng cử.

Trong cuộc trao đổi với Báo điện tử VTV News về công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII, ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương đã làm rõ hơn về khái niệm cũng như quy trình xem xét trường hợp đặc biệt.

- Xin ông giải thích rõ hơn khái niệm "trường hợp đặc biệt" trong công tác nhân sự Đại hội Đảng là thế nào? Khi nào phải nghĩ tới trường hợp đặc biệt?

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương: Ngay từ Đại hội XII đã đặt ra vấn đề trường hợp đặc biệt. Lần này, Trung ương và đồng chí Tổng Bí thư nói rất rõ là với những trường hợp đặc biệt thì Bộ Chính trị xem xét, cân nhắc kỹ lưỡng nhiều mặt rồi sau đó mới trình Ban Chấp hành Trung ương xem xét, quyết định việc giới thiệu với Đại hội hoặc giới thiệu với Hội nghị lần thứ nhất của Ban chấp hành Trung ương khóa XIII.

Nhân sự Đại hội XIII: Xem xét trường hợp đặc biệt phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương

Vậy thế nào là đặc biệt? Trường hợp đặc biệt là những trường hợp vượt quá khung quy định chung của Trung ương.

Trước hết là về tuổi, đây là những đồng chí quá tuổi quy định của Trung ương. Ví dụ như các đồng chí Bộ Chính trị quá 65 tuổi là trường hợp đặc biệt.

Thứ hai, đã là đặc biệt thì có nghĩa là không nhiều.

Thứ ba, khi đã xác định là trường hợp đặc biệt nghĩa rằng nếu không có trường hợp này thì sẽ khó khăn hoặc sẽ ảnh hưởng đến nhiệm vụ chung, ảnh hưởng đến lợi ích chung của toàn Đảng, toàn dân tộc, ảnh hưởng đến sự nghiệp cách mạng.

- Vậy thưa ông, việc đề xuất nhân sự trường hợp đặc biệt này sẽ tiến hành thế nào? Đề xuất vào khâu đoạn nào của quy trình công tác nhân sự?

Quy trình của Trung ương rất chặt chẽ, rất cụ thể, kỹ lưỡng và từng bước.

Trước hết là chuẩn bị nhân sự tái cử. Xác định những đồng chí đương nhiệm nào còn đủ điều kiện, đủ tiêu chuẩn để tái cử. Bước tiếp theo là tính số nhân sự mới tham gia lần đầu.

Sau đó, xem xét lại toàn bộ để xác định số nhân sự còn thiếu ở lĩnh vực nào, địa bàn nào hoặc là vị trí nào. Lúc đó mới xem xét một cách rất chi tiết, rất cụ thể xem có cần trường hợp đặc biệt hay không. Việc xem xét trường hợp đặc biệt là sau cùng.

Việc chuẩn bị nhân sự Ban Chấp hành Trung ương là trước tiên. Sau đó, chúng ta mới tính đến chuẩn bị nhân sự Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nhân sự lãnh đạo chủ chốt của Đảng và Nhà nước.

Tôi có thể nói rằng, công tác chuẩn bị nhân sự Trung ương khóa XIII có nhiều điểm mới so với khóa XII. Sau khi Ban chấp hành Trung ương quyết định Tiểu ban nhân sự, Bộ Chính trị quyết định ngay việc thành lập Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược gồm 6 đồng chí do Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trực tiếp làm Trưởng ban chỉ đạo.

Ban chỉ đạo quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sẽ rà soát, thẩm định kỹ từng trường hợp, từng khâu một.

Bộ Chính trị khóa XIII sẽ phải tính toán rất kỹ lưỡng bởi vì thực tế hiện nay nếu theo mốc 65 tuổi thì tất cả các đồng chí lãnh đạo chủ chốt như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hay Thường trực Ban Bí thư hiện nay đều quá tuổi.

Nghĩa rằng nếu theo quy định chung của Trung ương, tất cả các đồng chí lãnh đạo chủ chốt này sẽ không đủ điều kiện về tuổi để tái cử. Trung ương đã thấy vấn đề đó nên việc có trường hợp đặc biệt hay không sẽ do Bộ Chính trị xem xét.

Với trường hợp lãnh đạo cấp cao, có nhiều yếu tố cần phải chú ý như sức khỏe, trí tuệ, uy tín, phẩm chất, sức quy tụ, trung tâm đoàn kết.

- Ông có thể cho một vài ví dụ cụ thể của trường hợp đặc biệt trong các khóa trước không?

- Tôi cho rằng việc chuẩn bị nhân sự khóa XII của Ban chấp hành Trung ương tại Hội nghị trung ương 14 của khóa XI là cực kỳ sáng suốt.

Cá nhân tôi và rất nhiều cán bộ, đảng viên đều nhận định rằng, quyết định về trường hợp đặc biệt ở khóa XII khi Bộ Chính trị có 1 trường hợp đặc biệt là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp tục tái đắc cử và giữ chức vụ Tổng Bí thư là một quyết định rất sáng suốt của Ban Chấp hành Trung ương và Đại hội.

Nhân sự Đại hội XIII: Xem xét trường hợp đặc biệt phải vì lợi ích của Đảng, của Nhân dân - Ảnh 2.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (2016) đã thông qua kết quả bầu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII gồm 200 đồng chí, trong đó có 4 trường hợp đặc biệt về tuổi (Ảnh: Báo Nhân dân)

Ban chấp hành Trung ương khóa XII cũng quyết định 4 trường hợp đặc biệt và giới thiệu ra Đại hội. Trong 4 trường hợp đặc biệt của Trung ương có 3 đồng chí trúng cứ.

Đây là kết quả rất thỏa đáng và đúng đắn. Lần này về trường hợp đặc biệt, Trung ương sau khi chuẩn bị xong nhân sự mới tính toán cụ thể xem có cần trường hợp đặc biệt hay không, hay trường hợp đặc biệt ở chức danh nào.

- Trung ương đã đề cập nhiều vấn đề lợi ích nhóm. Vậy có biện pháp nào để tránh trường hợp các nhóm lợi ích cố tình giới thiệu người của nhóm mình, lợi dụng danh nghĩa tập thể để thông qua các trường hợp đặc biệt không?

- Bất kỳ một vấn đề gì, nhất là liên quan đến vấn đề nhân sự cấp cao phải hoàn toàn xuất phát từ lợi ích chung, xuất phát từ lợi ích của Đảng, xuất phát từ lợi ích của của quốc gia, dân tộc và Nhân dân.

Bác Hồ đã nói: "Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh".

Nếu có trường hợp thực sự đặc biệt thì phải là vì lợi ích của Đảng, lợi ích của Nhân dân, không thể vì lợi ích nhóm, vì lợi ích của một bộ phận nào cả.

Càng những vấn đề mới, khó khăn, phức tạp, thậm chí nhạy cảm thì càng phải dân chủ. Dân chủ càng rộng thì thống nhất sẽ càng cao. Phải thảo luận kỹ lưỡng, phân tích kỹ lưỡng, thấu đáo, nhiều chiều, nhiều khía cạnh thì cuối cùng chúng ta mới có được sự thống nhất chung.

Còn nếu có tình trạng người này - nhóm này, người kia – nhóm kia phân tán thì sẽ rất phức tạp.

Hiện nay, trước những vấn đề lớn của đất nước, những việc vì lợi ích của Đảng, vì lợi ích của Nhân dân thì sẽ tạo sự thống nhất.

- Xin cảm ơn ông.

Cơ cấu nhân sự Đại hội XIII: Trẻ tuổi và cao tuổi Cơ cấu nhân sự Đại hội XIII: Trẻ tuổi và cao tuổi

VTV.vn - Yêu cầu của Tổng bí thư, Chủ tịch nước về cơ cấu nhân sự 3 độ tuổi tại Đại hội XIII là nhằm tạo ra một sự kế thừa trong đội ngũ cán bộ, lãnh đạo cấp cao của Đảng.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước