Nhìn lại chuyến thăm Mông Cổ và dự HNCC ASEM của Thủ tướng

Trung Kiên, Lê Tuấn, Chí Thành (Ban Thời sự)-Chủ nhật, ngày 17/07/2016 20:14 GMT+7

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và phu nhân. (Ảnh: VOV)

VTV.vn - Chiều 16/7 (giờ địa phương), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã rời Ulaanbaatar về Hà Nội, kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Mông Cổ và tham dự Hội nghị Cấp cao ASEM 11.

Hai sự kiện lớn không được coi là chủ đề thảo luận chính của Hội nghị ASEM năm nay, nhưng đã khiến cho các nhà lãnh đạo của 2 châu lục Á - Âu quan tâm và thảo luận cả trong hội nghị lẫn tại các cuộc gặp song phương. Đó là vụ khủng bố ở miền Nam nước Pháp và tình hình Biển Đông và Hoa Đông trong bối cảnh Tòa Trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc vừa đưa ra phán quyết cuối cùng.

Cùng với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, 8 nhà lãnh đạo khác đã đưa các quan điểm của mình về vấn đề Biển Đông tại cuộc họp hẹp của hơn 50 nhà lãnh đạo của hai châu lục. Một mặt nêu lên những diễn biến đáng lo ngại gần đây tại Biển Đông đang làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực và thế giới. Mặt khác, Thủ tướng cũng tái khẳng định lại quan điểm của các nước ASEAN và của Việt Nam về vấn đề này. Đó là các tranh chấp trên Biển Đông phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, đồng thời tôn trọng đầy đủ các tiến trình ngoại giao và pháp lý cũng như tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương. Nhất là sau khi Tòa Trọng tài vụ kiện Philippines - Trung Quốc đã có phán quyết rõ ràng.

Trong gần 20 cuộc gặp với lãnh đạo các nước, trong đó có Tổng thống Hàn Quốc, Thủ tướng Nhật Bản, Thủ tướng Trung Quốc và Thủ tướng Lào, có những cuộc kéo dài cả giờ đồng hồ. Bên cạnh thảo luận về các biện pháp để tăng cường hợp tác song phương, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng trao đổi với lãnh đạo các nước về tình hình Biển Đông. Trong đó, Thủ tướng đã khẳng định lại lập trường của Việt Nam về vụ kiện trọng tài Biển Đông. Nhiều lãnh đạo đã chia sẻ quan điểm của Việt Nam về việc cần gia tăng đối thoại, hợp tác trên tinh thần xây dựng, giải quyết xung đột trên cơ sở pháp luật quốc tế, không có hành động đơn phương gây căng thẳng, làm phức tạp tình hình, không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực, đi cùng với việc xây dựng lòng tin, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý phù hợp với luật pháp quốc tế, nhằm duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á, trong đó có Biển Đông, góp phần quan trọng thúc đẩy xu thế hợp tác, liên kết giữa hai châu lục.

Tại hội nghị lần này, các nhà lãnh đạo Á - Âu đã xác định, sau 20 năm hình thành và phát triển, ASEM là một diễn đàn không thể thiếu, có tầm chiến lược và rất quan trọng đối với cả hai khu vực và đây cũng là cơ chế duy nhất hiện nay kết nối hai châu lục lớn nhất lại với nhau. Chính vì thế, các nhà lãnh đạo đều cho rằng cần phải tiếp tục duy trì diễn đàn này vì đây là cơ sở giúp cho việc định hình cục diện thế giới trong thế kỷ 21 và kết nối được xác định là trọng tâm hợp tác ASEM trong thời gian tới và triển khai trên cả 3 phương diện: hạ tầng cơ sở, thể chế và con người.

Cùng lúc nhà lãnh đạo Á - Âu xác định trọng tâm của hai châu lục trong thời gian tới là tăng cường kết nối về cơ sở hạ tầng, thể chế và con người và ưu tiên trở lại việc hợp tác kinh tế, thì trong chuyến thăm chính thức Mông Cổ của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân, chuyến thăm lần đầu tiên của Thủ tướng Việt Nam tới Mông Cổ sau 12 năm và sau 8 năm của lãnh đạo cấp cao, hai Thủ tướng đã nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế, thương mại song phương. Đây sẽ là trọng tâm hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới. Hai Thủ tướng cũng thống nhất thúc đẩy giải quyết các khó khăn trong hợp tác thương mại như vận chuyển hàng hóa, kiểm dịch. Đồng thời cùng hợp tác để hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam, nhất là gạo, cà phê, đường, rau quả vào Mông Cổ và các sản phẩm thịt của Mông Cổ vào được Việt Nam. Bên cạnh đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng J. Erdenebat cũng nhất trí sẽ thúc đẩy hợp tác giữa hai nước trong nhiều lĩnh vực có nhiều tiềm năng khác.

Việc Chính phủ Mông Cổ bắt đầu ưu tiến phát triển công nghiệp trong đó ngành công nghiệp khai khoáng và xây dựng cũng đang là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam. Tại diễn đàn doanh nghiệp hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định Việt Nam rất cần đầu tư vào Mông Cổ trong lĩnh vực khai thác đồng, than, dầu khí, xây dựng và du lịch bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp.

Để hỗ trợ cho các doanh nghiệp của hai nước triển khai những thỏa thuận vừa đạt được và cũng để triển khai danh mục các lĩnh vực hợp tác vừa được xác định, hai Thủ tướng đã giao Ủy ban Liên chính phủ sẽ họp trong quý 3 này để đưa ra các giải pháp thực hiện. Trong đó, kết nối về giao thông và thanh toán là hai ưu tiên hàng đầu, vì Mông Cổ là quốc gia nằm sâu trong lục địa, không có biển, còn đường bộ thì chỉ kết nối được với Trung Quốc.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước