Ngày 1/6, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2021, một số tháng đầu năm nay cùng việc tổng kết, kéo dài thời hạn áp dụng toàn bộ quy định của Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.
Nhiều đại biểu cùng chung nhận định khi cho rằng, trong bối cảnh tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, kinh tế thế giới có nhiều biến động nhưng với sự đồng lòng, quyết tâm của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế, xã hội đã có nhiều điểm sáng và dần chuyển biến theo hướng tích cực.
Quang cảnh cuộc họp. Ảnh: TTXVN
Kiên trì các giải pháp đồng bộ phát triển kinh tế bền vững
Theo nhiều đại biểu, sự chuyển biến đó nằm ở việc các cân đối lớn được bảo đảm, lạm phát được kiểm soát, việc xử lý nợ xấu đạt kết quả đáng ghi nhận, thu ngân sách nhà nước năm 2021 tăng 16,8%, nợ Chính phủ và nợ công trong tầm kiểm soát thấp hơn mục tiêu đề ra
Tuy nhiên, một số đại biểu cũng chỉ ra các điễm nghẽn, hạn chế trong phát triển kinh tế, xã hội, đồng thời kiến nghị cần sớm có giải pháp để khắc phục nhất là tình trạng thao túng thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, cân đối nguồn thu và sớm ổn định thị trường bất động sản.
Cho rằng nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn nên không tránh khỏi bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, do vậy nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ sớm có giải pháp nhằm bình ổn giá xăng dầu trong nước làm cơ sở cho bình ổn giá cả các mặt hàng tiêu dùng liên quan.
Đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang Nguyễn Việt Hà phát biểu. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN
Kiến nghị kéo dài Nghị quyết 42
Qua gần 5 năm thực hiện Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, hệ thống ngân hàng đã xử lý được 380.000 tỷ đồng trong đó có gần 40% là do khách hàng vay vốn chủ động trả nợ.
Điều đó khẳng định Nghị quyết 42 rất cần thiết và nên tiếp tục gia hạn thêm một thời gian để đảm bảo được an toàn hệ thống. Đây là đề nghị của một số đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận toàn thể ngày 1/6.
Lịch sử phải là môn học bắt buộc và cần quan tâm đến sức khỏe tâm lý học đường
Bên cạnh các vấn đề kinh tế, các đại biểu quốc hội cũng bày tỏ nhiều ý kiến liên quan đến nội dung giáo dục đào tạo như tính bắt buộc của môn Lịch sử trong chương trình phổ thông hay thực trạng đáng lo ngại về tâm lý học đường hiện nay.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn phát biểu ý kiến. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Cũng tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo đã làm rõ 2 vấn đề mà các đại biểu quan tâm là vấn đề tăng học phí đào tạo và giá sách giáo khoa vẫn còn cao thời gian qua.
Theo dõi phiên thảo luận của Quốc hội, nhiều cử tri cho rằng những nội dung được các đại biểu đề cập đến đã phản ánh được bức tranh tổng thể về tình hình kinh tế xã hội của đất nước, cũng như bám sát được các vấn đề mà cử tri quan tâm hiện nay.
Theo kế hoạch, ngày 2/6, Quốc hội sẽ tiếp tục thảo luận phiên toàn thể về các nội dung này và sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 của Đài truyền hình Việt Nam.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!