Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh phát biểu chỉ đạo. Ảnh: TTXVN
Trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31, Phiên họp toàn thể về công tác xây dựng ngành diễn ra với 2 nội dung là xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại trong kỷ nguyên số và xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn khẳng định, đối ngoại và ngoại giao luôn gắn liền với sự phát triển bang giao quốc tế và phục vụ lợi ích các quốc gia-dân tộc. Cũng chính sự phát triển của các quốc gia - dân tộc và bang giao quốc tế đã thúc đẩy các nền ngoại giao trên thế giới không ngừng phát triển.
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn phát biểu khai mạc phiên họp. Ảnh: Lâm Khánh - TTXVN
Trong điều kiện toàn cầu hóa sâu rộng cũng như dưới tác động nhiều chiều của các xu thế lớn cũng như thách thức toàn cầu, đặc biệt từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát đến nay, ngành Ngoại giao của nhiều nước trên thế giới đã, đang và tiếp tục có những điều chỉnh để thích ứng với bối cảnh mới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nêu rõ, cùng với đất nước, ngành Ngoại giao đang bước vào giai đoạn chiến lược mới để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn 2045, Đại hội XIII của Đảng đề ra chủ trương "Xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại với ba trụ cột là đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân".
Đây là một chủ trương mới, phản ánh sự trưởng thành của ngoại giao cách mạng Việt Nam, đồng thời cũng là yêu cầu vừa cấp bách, vừa mang tính chiến lược, lâu dài đối với đối ngoại nói chung, ngành Ngoại giao nói riêng, phù hợp với xu thế phát triển của các nền ngoại giao trên thế giới.
Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nhận định, nhiệm vụ đối ngoại trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và chủ trương xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại đặt ra yêu cầu rất cao về xây dựng đội ngũ cán bộ ngoại giao toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức và trí tuệ; hiện đại, chuyên nghiệp về phong cách, phương pháp làm việc, có trình độ đạt tới tầm khu vực và quốc tế. Để đáp ứng yêu cầu này, cần có nguồn lực đầu tư xứng đáng cùng với hệ thống cơ chế chính sách bài bản, đồng bộ.
Tại phiên họp, một số đại biểu nêu ý kiến đóng góp, gợi mở phương hướng, giải pháp cụ thể, thiết thực về cơ chế, chính sách, nhất là về đổi mới tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, bố trí, luân chuyển, đãi ngộ cán bộ, trên cơ sở vận dụng cơ chế, chính sách chung của Đảng và Nhà nước phù hợp với đặc thù của ngành Ngoại giao và yêu cầu công tác đối ngoại trong tình hình mới.
Dự và chỉ đạo Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh, Hội nghị Ngoại giao lần thứ 31 diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, ngay sau Hội nghị Đối ngoại toàn quốc - đã nêu rõ đường lối, phương hướng, nguyên tắc, mục tiêu, giải pháp nhằm xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, tiên phong, hiện đại.
Đối với ngoại giao toàn diện, 3 trụ cột của đối ngoại là: Đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân được triển khai toàn diện trong toàn bộ hệ thống chính trị, trên tất cả các lĩnh vực, với vai trò tiên phong nhằm duy trì môi trường hòa bình, phát triển đất nước.
Đối với xây dựng nền ngoại giao hiện đại, được nhắc đến từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 năm 2018, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cho rằng, phiên họp toàn thể về xây dựng ngành với chủ đề" Đổi mới sáng tạo hướng tới xây dựng ngành ngoại giao chuyên nghiệp, toàn diện, hiện đại" có nội dung phù hợp với nội hàm xây dựng nền ngoại giao hiện đại, được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đưa vào Nghị quyết.
"Việc xây dựng nền ngoại giao hiện đại thuộc trách nhiệm của Bộ Ngoại giao, trên tinh thần thấm nhuần tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh – ngoại giao mang tính toàn diện. Đó là, đảm bảo lợi ích quốc gia-dân tộc, độc lập tự cường, là bạn, đối tác tin cậy với tất cả các nước, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; đặc biệt là nghệ thuật ngoại giao "dĩ bất biến ứng vạn biến", "ngoại giao tâm công" trên cơ sở ba trụ cột ngoại giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, hệ thống chính trị", Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Khẳng định nền ngoại giao hiện đại được xây dựng trên cơ sở kế thừa và phát huy ngoại giao truyền thống, một điểm mới được Phó Thủ tướng nhắc đến, đó là, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, hình thức ngoại giao trực tuyến đã được triển khai mạnh mẽ nhằm duy trì các cuộc tiếp xúc của lãnh đạo cấp cao thông qua công nghệ số.
Phó Thủ tướng nêu rõ, xây dựng nền ngoại giao hiện đại cần sử dụng nhiều phương thức khác nhau, trong đó có ngoại giao số để bắt kịp xu thế toàn cầu, tức là áp dụng công nghệ, khoa học để tiến hành các phương thức ngoại giao; một số nước trên thế giới đã áp dụng hình thức đại sứ quán ảo…
Với 96 Đại sứ quán, Tổng lãnh sự, các cơ quan đại diện ở nước ngoài, Phó Thủ tướng cho rằng, nhằm tiếp tục mở rộng tầm bao phủ hơn nữa đến tất cả các nước, cần cân nhắc đến ngoại giao số, đặc biệt tại các đại sứ quán kiêm nhiệm ở khu vực Mỹ Latin, châu Phi…
Phó Thủ tướng Thường trực một lần nữa nhấn mạnh, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm rất lớn trong việc đưa nội hàm của ngoại giao hiện đại vào quá trình vận hành công tác Ngoại giao thông qua ngoại giao số. Cùng với đó, ngành ngoại giao cần tiếp tục hoàn thiện thể chế; củng cố, xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả, phù hợp xây dựng một nền ngoại giao toàn diện, hiện đại phục vụ thực hiện mục tiêu đối ngoại mà Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực nhằm đảm bảo xây dựng nền ngoại giao hiện đại cũng được Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh nhắc đến. Theo đó, ngành Ngoại giao đã có được đội ngũ cán bộ mạnh, phát huy được truyền thống của ngành. Tuy nhiên, khâu tuyển chọn cán bộ cũng cần được tiếp tục phát huy nhằm huy động nguồn nhân lực có năng lực, hiểu biết nhiều vấn đề, có văn hóa, trình độ, phù hợp với xu thế ngoại giao số như hiện nay. Bên cạnh đó, cần có chính sách đãi ngộ cán bộ ngoại giao làm việc trong các lĩnh vực trọng yếu như biên giới, vấn đề trên biển, quan hệ với các nước…
Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Ngoại giao tiếp tục phát huy trí tuệ, cùng với các bộ, ngành, xây dựng Chiến lược phát triển ngành ngoại giao đến năm 2030.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!