Phó Thủ tướng: Thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm

Tạ Hiển-Thứ năm, ngày 08/06/2023 12:15 GMT+7

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái báo cáo trước Quốc hội.

VTV.vn - Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh, tình trạng cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm đã làm suy giảm niềm tin của người dân, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội.

Kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm

Báo cáo giải trình tại phiên chất vấn của Quốc hội sáng 8/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã đề cập tới tình trạng cán bộ đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm đã được nhiều đại biểu đặt ra qua các phiên thảo luận.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, công tác cán bộ là một nhiệm vụ then chốt của cả hệ thống chính trị, là một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định, góp phần tạo nên những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử của đất nước ta.

Về tổng thể, năng lực, phẩm chất của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, thời gian gần đây, xảy ra tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức né tránh, đùn đẩy công việc; có tâm lý e ngại, sợ sai, sợ trách nhiệm, không dám tham mưu, đề xuất xử lý công việc, không quyết định công việc thuộc thẩm quyền.

Có trường hợp đẩy việc lên cấp trên hoặc sang các cơ quan khác, thiếu sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả giữa các bộ, cơ quan, địa phương, chủ yếu trong các lĩnh vực đầu tư công, quản lý đất đai, bất động sản, mua sắm công, đầu tư, định giá, cung ứng các dịch vụ trực tiếp liên quan đến người dân và doanh nghiệp...

Phó Thủ tướng: Thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên chất vấn

"Tình trạng này dẫn đến quá trình xử lý công việc bị kéo dài, gây lãng phí thời gian, nguồn lực, cơ hội phát triển, làm giảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, gây cản trở công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền các cấp" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cá biệt có nơi còn trì trệ, làm suy giảm niềm tin của người dân và doanh nghiệp đối với cơ quan nhà nước, ảnh hưởng đến việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Thời gian tới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung khắc phục những hạn chế, bất cập, yếu kém nêu trên. Quán triệt và tiếp tục thực hiện đầy đủ, nghiêm túc Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Quy chế làm việc của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.

Khẩn trương rà soát, hoàn thiện các quy định pháp luật để tạo môi trường, hành lang pháp lý đầy đủ, đồng bộ, minh bạch, an toàn cho các bộ, cơ quan, địa phương, cán bộ, công chức, viên chức yên tâm thực hiện chức trách, nhiệm vụ và thực thi công vụ theo quy định.

Tăng cường phân cấp, phân quyền gắn với cá thể hóa trách nhiệm, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu; kiên quyết không để xảy ra việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động công vụ, nhất là thanh tra, kiểm tra đột xuất.

Biểu dương, khen thưởng kịp thời đối với tổ chức, cá nhân các cơ quan, tập thể, cán bộ, công chức quyết liệt trong thi hành công vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ, dám nói, dám nghĩ, dám làm, chủ động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho biết sẽ kịp thời rà soát, xử lý, thay thế hoặc điều chuyển sang công việc khác đối với cán bộ, công chức năng lực yếu, không dám làm, né tránh, đùn đẩy, thiếu trách nhiệm.

Muốn phòng chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực

Phát biểu tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Thu Hà (tỉnh Quảng Ninh) cho biết, một trong những giải pháp cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là phải kiểm soát quyền lực, đảm bảo quyền lực được thực thi trong khuôn khổ. Đảng và Nhà nước ta đã nhiều lần đề cập việc kiểm soát quyền lực, xác định đây là vấn đề cốt lõi để phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đại biểu Hà đề nghị Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết đâu là giải pháp cốt lõi để kiểm soát quyền lực.

Phó Thủ tướng: Thay thế, điều chuyển cán bộ đùn đẩy, thiếu trách nhiệm - Ảnh 2.

Về câu hỏi này, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh bài học quan trọng: Muốn phòng, chống tham nhũng hiệu quả cần kiểm soát được quyền lực. Đây là việc có ý nghĩa quan trọng trong công tác phòng chống tham nhũng, do quyền lực có xu hướng gây tha hóa khi không kiểm soát. Kiểm soát quyền lực là việc căn cơ trong phòng chống tham nhũng, giúp loại bỏ, phát hiện, ngăn ngừa, xử lý nghiêm sai phạm.

Phó Thủ tướng cũng cho rằng nguyên nhân sâu xa của tha hóa quyền lực là chủ nghĩa cá nhân, dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và đây cũng là chính là nguyên nhân dẫn đến tham nhũng.

"Do đó, kiểm soát quyền lực là việc chúng ta phải làm. Thực tiễn cho thấy phải kiểm soát quyền lực chặt chẽ tại các cơ quan quản lý nhà nước. Như đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh và yêu cầu, cần thiết lập được cơ chế kiểm soát quyền lực với người có chức vụ, quyền hạn, phải nhốt quyền lực vào lồng cơ chế.

Về giải pháp, Phó Thủ tướng cho rằng cần hoàn thiện cơ chế thực thi quyền lực nhà nước, xác định quyền lực mỗi cơ quan nhà nước trong thực hiện quyền hành pháp, tư pháp, lập pháp. Cần tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt lực của cơ quan điều tra, truy tố, xét xử, thực thi pháp luật…

Tăng cường giám sát kiểm soát thực thi của người có chức vụ, quyền hạn các cơ chế công khai, minh bạch, chịu trách nhiệm giải trình. Đặc biệt những người có chức vụ, quyền hạn phải tự soi, tự sửa, tự rèn luyện. Ngoài ra, cần kết hợp chặt chẽ các cơ chế kiểm soát quyền lực của Đảng, nhà nước, nhân dân. Phát huy vai trò của mặt trần, các tổ chức đoàn thể, báo chí, vai trò của nhân dân trong tiếp cận thông tin, khiếu nại, tố cáo…

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước