Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp chuyên đề vào cuối 2021, đầu 2022

Tạ Hiển - Thùy An-Thứ bảy, ngày 13/11/2021 14:20 GMT+7

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường trả lời câu hỏi của các phóng viên, báo chí

VTV.vn - Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022.

Kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV hoàn thành toàn bộ chương trình, thành công tốt đẹp

Trưa 13/11, ngay sau khi Quốc hội họp phiên bế mạc, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo công bố thông tin kết quả kỳ họp 2, Quốc hội khóa XV.

Báo cáo kết quả kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn cho biết, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV diễn ra trong 16,5 ngày và được chia thành 2 đợt, kết hợp giữa họp trực tuyến và họp tập trung. Với tinh thần làm việc khẩn trương, dân chủ, nghiêm túc, tận dụng tối đa thời gian, làm việc cả ngày Thứ bảy, Chủ nhật, Quốc hội đã hoàn thành toàn bộ chương trình đề ra và thành công tốt đẹp.

Kết quả kỳ họp tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc chuẩn bị tổ chức và tiến hành kỳ họp, bảo đảm hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, công khai, minh bạch, thể hiện rõ các đại biểu Quốc hội là người đại diện của Nhân dân, gắn bó chặt chẽ với Nhân dân, được cử tri và Nhân dân giám sát chặt chẽ.

Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp chuyên đề vào cuối 2021, đầu 2022 - Ảnh 1.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn báo cáo kết quả Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Về công tác lập pháp, tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua 02 luật, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều và Phụ lục - Danh mục chỉ tiêu thống kê quốc gia của Luật Thống kê; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự.

Quốc hội thông qua 05 nghị quyết, gồm: Các Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng, các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế; Nghị quyết về tổ chức phiên tòa trực tuyến.

Quốc hội cũng đã cho ý kiến đối với 05 dự án luật, gồm: dự án Luật Cảnh sát cơ động; dự án Luật Điện ảnh (sửa đổi); dự án Luật Kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); dự án Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về xem xét các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và quyết định các vấn đề quan trọng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Minh Tuấn nêu rõ, Quốc hội đã biểu quyết thông qua 03 Nghị quyết về: kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 và phân bổ ngân sách trung ương năm 2022.

Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, trong đó xác định Kế hoạch này phải gắn với Chương trình tổng thể phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thực chất, hiệu quả hơn, củng cố nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an toàn tài chính và an toàn tiền tệ quốc gia; yêu cầu Chính phủ xây dựng Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, hoàn thành trước tháng 4/2022, báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết này hằng năm; giữa nhiệm kỳ và cả nhiệm kỳ.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2021-2025).

Quốc hội đã xem xét, thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV

Lần đầu tiên chất vấn trực tiếp kết hợp trực tuyến

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, kỳ họp thứ 2 đã thành công tốt đẹp, hoàn thành các nội dung chương trình đề ra.

Liên quan tới hoạt động chất vấn, trao đổi với phóng viên báo chí tại cuộc họp báo thông tin kết quả kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cũng cho biết, kỳ họp lần này đã diễn ra thành công tốt đẹp và có 2 điểm đổi mới.

Thứ nhất là ra Nghị quyết chất vấn và trả lời chất vấn có trọng tâm, trọng điểm, đặc biệt có định lượng cụ thể, có tiến độ thời gian, và có đầu việc cụ thể, để giao cơ quan chức năng chuẩn bị báo cáo trình Quốc hội, đặc biệt là giám sát sau chất vấn, để đảm bảo trả lời chất vấn phải được Quốc hội ra Nghị quyết và Nghị quyết sẽ được giám sát, đúng ngày giờ phải giải trình.

Quốc hội dự kiến tổ chức phiên họp chuyên đề vào cuối 2021, đầu 2022 - Ảnh 2.

Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn ở kỳ họp thứ 2 (Ảnh: Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ ba- TTXVN)

Đổi mới thứ hai là phiên chất vấn có sự kết hợp cả hai hình thức chất vấn trực tiếp và chất vấn trực tuyến. Bằng hình thức này, đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh vẫn được biểu quyết, được phát biểu, đặc biệt được chất vấn.

"Từ những kinh nghiệm này, trên cơ sở tiếp tục xem xét, hoàn thiện những yêu cầu về chất vấn, trả lời chất vấn, vấn đề ra Nghị quyết, cũng như giám sát khâu chất vấn là rất quan trọng, đảm bảo vừa thích ứng linh hoạt, đạt yêu cầu đổi mới, để thấy rằng Quốc hội bắt nhịp hơi thở cuộc sống, thực hiện tốt nhiệm vụ cử tri, nhân dân cả nước giao phó cho Quốc hội"- Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.

Khả năng sẽ có kỳ họp chuyên đề vào cuối tháng 12/2021 hoặc đầu tháng 1/2022

Tại họp báo, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị thông tin về khả năng tổ chức kỳ họp chuyên đề ngắn của Quốc hội vào tháng 12 tới để xem xét một số vấn đề cấp bách, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thống nhất sẽ có phiên họp chuyên đề dự kiến vào cuối tháng 12 năm nay hoặc đầu tháng 1 năm 2022. Văn phòng Quốc hội đã đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng hồ sơ, tài liệu theo quy định của pháp luật.

Nếu Chính phủ trình hồ sơ, tài liệu đầy đủ theo quy định pháp luật, đặc biệt đảm bảo chất lượng thì Uỷ ban Thường vụ Quốc hội sẽ báo cáo Quốc hội để tổ chức phiên họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề thực tiễn đặt ra. Điều này cũng nằm trong quá trình hoàn thiện Đề án đổi mới hoạt động của Quốc hội, nhất là nội quy kỳ họp.

"Trước đây theo quy định, Quốc hội họp 2 kỳ 1 năm, trừ năm đầu có 3 kỳ. Nếu như năm nay chúng ta có kỳ họp của tháng 12 thì là có 4 kỳ, như vậy chúng ta cũng linh hoạt để giải quyết các vấn đề đặt thực tiễn đặt ra. Nếu cứ 6 tháng mới họp 1 lần, nhiều vấn đề cần giải quyết theo thẩm quyền của Quốc hội sẽ làm chậm tốc độ phát triển của đất nước. Do đó Quốc hội sẽ linh hoạt hơn, sau này khi sửa nội quy kỳ họp, sửa luật trước Quốc hội chúng tôi sẽ sửa những điểm để có thể linh hoạt hơn, thậm chí có những việc cấp bách, cần thiết có thể họp trực tuyến như vừa rồi, 1-2 ngày cũng là họp Quốc hội. Chúng tôi tin rằng cử tri, nhân dân cả nước cũng sẽ thấy cần thiết, hợp lý"- Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nêu rõ.

Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới Thành công của kỳ họp thứ 2 khẳng định bước tiến trong xây dựng Quốc hội chủ động, đổi mới

VTV.vn - Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, thành công của kỳ họp khẳng định một Quốc hội ngày càng dân chủ, minh bạch, gắn bó mật thiết với Nhân dân.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước