Trích tiền thu hồi để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra
Ngày 16/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước.
Trình bày Tờ trình của Chính phủ tại phiên họp, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong nhấn mạnh, về phạm vi điều chỉnh Dự thảo Nghị quyết quy định về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết là quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi đã nộp vào ngân sách nhà nước để hỗ trợ nâng cao năng lực hoạt động thanh tra, tăng cường cơ sở vật chất và khen thưởng, động viên tổ chức, cá nhân có thành tích trong công tác thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong trình bày Tờ trình của Chính phủ
Đồng thời, quy định việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước là các cơ quan thanh tra theo quy định tại Điều 9 Luật Thanh tra năm 2022, bao gôm: Thanh tra Chính phủ; Thanh tra bộ, cơ quan ngang bộ; Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ; Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tồng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra sở; Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương; Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt.
Các khoản được trích gồm:
- Các khoản tiền thuộc ngân sách nhà nước bị chiếm đoạt, sử dụng không đúng quy định của Nhà nước hoặc bị thất thoát do các hành vi vi phạm pháp luật gây ra đã được thu hồi vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản tăng thu ngân sách nhà nước về thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác theo quy định của pháp luật đã nộp vào ngân sách nhà nước.
- Các khoản chi ngân sách nhà nước sai chế độ đã nộp lại vào ngân sách nhà nước.
Theo tờ trình của Chính phủ, về mức trích, Thanh tra Chính phủ được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 100 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 100 tỷ đồng đến 200 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 200 tỷ đồng/năm.
Thanh tra Bộ, cơ quan ngang Bộ, Thanh tra ở cơ quan thuộc Chính phủ, Thanh tra trong cơ quan cơ yếu Chính phủ; Thanh tra Tổng cục, Cục thuộc Bộ và tương đương; Thanh tra tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được trích 30% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp đến 20 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 20 tỷ đồng đến 30 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 30 tỷ đồng/năm.
Thanh tra sở, Thanh tra quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, Thanh tra tại đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt được trích 30% trên trong số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đôi với số nộp đến 3 tỷ đồng/năm; được trích thêm 20% trên tổng số tiền đã nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 3 tỷ đồng đến 5 tỷ đồng/năm; được trích thêm 10% trên tổng số tiền nộp vào ngân sách nhà nước đối với số nộp từ trên 5 tỷ đồng/năm.
Tổng số kinh phí được trích bình quân trong 1 năm của giai đoạn 2018-2022 là 380 tỷ đồng. Nếu thực hiện theo chính sách mới (tăng biên độ), thì kinh phí hàng năm trích cho các cơ quan thanh tra ước tính tăng 45 tỷ đồng, tương ứng tăng khoảng 12% so với mức được trích theo quy định hiện hành, trong đó ngân sách trung ương tăng 27 tỷ đồng; ngân sách địa phương tăng 18 tỷ đồng.
Đối tượng chi kinh phí phải là các cơ quan thanh tra theo đúng quy định
Trình báo báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách (TCNS) của Quốc hội Lê Quang Mạnh cho biết, Ủy ban TCNS tán thành sự cần thiết ban hành quy định của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội việc các cơ quan thanh tra được trích một phần từ các khoản tiền thu hồi phát hiện qua thanh tra sau khi nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định tại Khoản 3 Điều 112 của Luật Thanh tra năm 2022.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình báo báo cáo thẩm tra
Đa số ý kiến đề nghị dự thảo Nghị quyết không liệt kê chi tiết các cơ quan thanh tra, chỉ quy định các cơ quan thanh tra được quy định tại khoản 18 Điều 2 và các khoản 1, 2, 3, 4 Điều 9 Luật Thanh tra năm 2022.
Về mức trích, đa số ý kiến đề nghị giữ nguyên mức trích tối đa và biên độ như mức các cơ quan thanh tra đang được hưởng theo quy định tại Thông tư số 327/2016/TT-BTC do quy định này đã có căn cứ thực tiễn và bảo đảm lập, quyết định dự toán chi, sử dụng kinh phí được trích không vượt quá nhu cầu chi hằng năm của các cơ quan thanh tra.
Một số ý kiến nhất trí với mức trích và việc điều chỉnh biên độ nêu tại dự thảo Nghị quyết do mức lương cơ bản, chỉ số trượt giá hiện nay cao hơn so với thời điểm ban hành Thông tư 327/2016/TT-BTC.
Trên cơ sở ý kiến thẩm tra, Ủy ban TCNS trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị Chính phủ khẩn trương bổ sung báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các nội dung nêu tại báo cáo thẩm tra làm căn cứ để Uỷ ban TCNS kịp thời gian hoàn thiện báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Nghị quyết.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ
Đánh giá cao sự chuẩn bị của Chính phủ và các nội dung thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách, tuy nhiên, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ lưu ý, Nghị quyết cần phải xử lý được khoảng chuyển tiếp từ luật cũ sang luật mới cho chính xác; cân nhắc sau khi Nghị quyết được thông qua thì có ban hành nghị định, thông tư gì nữa không?
Nếu quy định cụ thể trong Nghị quyết để áp dụng được luôn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cần bám sát Thông tư số 327/2016/TT-BTC bởi đã được áp dụng và chứng minh trong thực tiễn. Bên cạnh đó, về phạm vi điều chỉnh cần bám sát theo quy định tại Luật Thanh tra năm 2022.
Phát biểu kết luận nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị, Chính phủ tiếp thu ý kiến của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện tờ trình, hồ sơ, tài liệu dự thảo Nghị quyết, báo cáo vào đợt hai của Phiên họp. Đồng thời, lưu ý bổ sung thông tin đánh giá kỹ tác động, đặc biệt là các nội dung: bộ máy thanh tra các cấp, số lượng người, đơn vị thụ hưởng, thời gian thực hiện chế độ trích kinh phí…
Cùng với đó, cụ thể hóa phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh rõ ràng, thuận tiện khi áp dụng, đối tượng chi kinh phí phải là các cơ quan thanh tra theo đúng quy định của Luật Thanh tra. Rà soát quy định đầy đủ thủ tục trích đột, trình tự, thủ tục lập dự toán, giao dự toán, nộp, quyết toán kinh phí được lập để bảo đảm tính khả thi, có thể thực hiện được ngay.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!