Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý bạo lực gia đình

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 16/04/2022 19:27 GMT+7

VTV.vn - Chiều 16/4, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến Dự án Luật Phòng chống bạo lực gia đình (sửa đổi).

Sau gần 15 năm thực hiện, các ý kiến đều nhất trí về tính cần thiết phải sửa đổi Luật hiện hành để đưa ra những quy định phù hợp, ứng phó kịp thời với những diễn biến đa dạng, phức tạp và trầm trọng của vấn nạn bạo lực gia đình trong thực tiễn.

Dự án Luật Phòng, chống Bạo lực gia đình (sửa đổi) tập trung vào cụ thể hóa các biện pháp phòng ngừa bạo lực gia đình, tăng cường bảo vệ và hỗ trợ người bị bạo lực gia đình. Trong đó kế thừa nguyên tắc lấy phòng ngừa là chính nhưng được bổ sung theo hướng chủ động hơn, liên tục trong cả quá trình, hướng đến mục tiêu phòng ngừa bền vững. Ở đây, các thành viên yếu thế trong gia đình như người già, phụ nữ, trẻ em là đối tượng được ưu tiên bảo vệ, hỗ trợ.

Quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong phát hiện, xử lý bạo lực gia đình - Ảnh 1.

Quang cảnh phiên họp (Ảnh: TTXVN)

Đánh giá cao việc dự Luật đã có quy định làm nổi bật vai trò, trách nhiệm của công an xã - lực lượng chức năng tại cơ sở rất quan trọng trong phòng chống bạo lực gia đình, tuy nhiên cũng có ý kiến góp ý để những quy định này phù hợp hơn trong thực tế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới, dự thảo Luật có quy định 3 điều về trách nhiệm của công an xã, nhưng thẩm quyền của công an xã lại rất mờ nhạt. Ví dụ, Điều 53 dự thảo Luật giao công an xã giám sát việc thực hiện cấm tiếp xúc. Đây là nhiệm vụ này rất nặng nề; trong trường hợp người vi phạm không chấp hành thì công an xã sẽ xử lý như thế nào? Do đó, ông Lê Tấn Tới đề nghị nên nghiên cứu giao quyền cho công an xã được áp dụng biện pháp nghiệp vụ để bảo vệ người tố giác và nạn nhân bị bạo lực gia đình.

Bên cạnh đó, đồng tình với những quy định về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan liên ngành và các điều kiện bảo đảm để thực hiện công tác phòng chống bạo lực gia đình, nhiều ý kiến cũng cho rằng quan trọng nhất là khâu thực hiện.

Theo bà Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Ban Công tác Đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội: ''Đề nghị phải làm rõ hơn trách nhiệm của các cơ quan như Bộ Lao động, Y tế hay các cơ quan tổ chức chính trị xã hội như Mặt trận, Hội phụ nữ''.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chỉ rõ, việc trình dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) ngay từ đầu nhiệm kỳ thể hiện sự quan tâm rất lớn của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội vì hậu quả của bạo lực gia đình cả về thể chất và tinh thần rất lớn. Để luật đi vào cuộc sống khi được thông qua, cần nhận diện rõ và rà soát đầy đủ hơn về các hành vi bạo lực gia đình hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội đề nghị, luật cần phải quy định rõ trách nhiệm và cơ chế phối hợp trong việc phát hiện và xử lý, cơ quan nào là chủ trì, cơ quan nào là phối hợp trong việc phòng ngừa bạo lực gia đình để quy trách nhiệm cụ thể.

Dự kiến dự án Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) sẽ được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XV vào tháng 5/2022.



* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước