Chỉ tính riêng từ đầu năm tới nay, số cuộc gọi của phụ nữ bị bạo hành đến đường dây nóng của Trung Tâm Nghiên cứu ứng dụng khoa học về giới - gia đình - phụ nữ và vị thành niên (CSAGA) tăng 130% so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 xuất hiện tại Việt Nam. Số lượng nạn nhân được hỗ trợ giải cứu và tiếp nhận vào Ngôi nhà bình yên, nhà tạm lánh thuộc Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, tăng 80% so cùng kỳ năm 2020.
Đánh giá về thực trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em vì tác động đại dịch COVID-19 do các tổ chức Liên Hợp Quốc UNFPA, UN Women, UNICEF thực hiện năm 2020 đã cho thấy, cứ 3 phụ nữ thì có hơn 1 người từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực (thể xác, tình dục, tinh thần hay kiểm soát hành vi, kinh tế) do chồng/bạn tình gây ra.
Hơn một nửa phụ nữ bị bạo lực không chia sẻ với người nào (51,8%); 1/3 (27,3%) có kể với anh/chị ruột, 24,5% kể với bạn bè và 20,9% kể với bố mẹ đẻ. Rất ít người nói với lãnh đạo địa phương (4,3%) và tổ hòa giải (3,6%)
Phần lớn phụ nữ bị bạo lực không chia sẻ với người nào. (Ảnh: Dân trí)
Trên thực tế, một phần không nhỏ nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là vì các vụ bạo lực khi được báo cáo còn chưa được xử lý triệt để do luật pháp còn có những điều chưa phù hợp với tình hình hiện tại.
Hiện chưa có chế tài yêu cầu người gây ra bạo lực phải chuyển ra khỏi nhà hay cách ly. Phụ nữ đa số là những người phải ra ngoài tìm sự giúp đỡ, kéo theo đó là sự vất vả, thiếu thốn, nhất là khi có người còn phải mang theo những đứa con.
Nhiều ý kiến cho rằng, cần có chế tài yêu cầu đích thân người gây ra bạo lực tới nộp phạt và có thêm các hình thức để phạt đúng người, đúng tội, ví dụ như thay vì nộp tiền, có thể yêu cầu lao động công ích. Như vậy, người gây ra bạo lực khó có thể trốn tránh.
Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã được triển khai và thi hành trong suốt 14 năm qua và hiện đã bộc lộ những điểm không phù hợp với tình hình hiện tại. Trước thực tế này, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình sẽ có những thay đổi cho phù hợp với tình hình hiện tại. Trong đó, cần đặc biệt là xử lý nghiêm người có hành vi bạo lực gia đình, tăng cường các biện pháp bảo vệ nạn nhân, nâng cao chất lượng của công tác hòa giải, thông tin tuyên truyền và khuyến khích xã hội hóa trong phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó góp phần xây dựng gia đình bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!