Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, hơn 3200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng. Hơn 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý bị kỷ luật, trong đó 18 cán bộ bị xử lý hình sự.
Hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm trong 8 năm qua. Chống giặc nội xâm - không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Vì sao Đảng ta lại đạt được những kết quả nổi bật như vậy? Nguyên nhân chính và những bài học quý được rút ra là gì?
Chương trình Tọa đàm: Quyết liệt chống "giặc nội xâm" của Ban Thời sự đã nhìn lại, phân tích, đánh giá những kết quả nổi bật và bài học quý trong công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ Đại hội XII.
Chương trình có sự tham gia của 2 vị khách mời:
- Ông Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.
- Ông Nguyễn Xuân Trường - Vụ trưởng Vụ Địa phương 1, Ban Nội chính Trung ương.
Chưa khi nào Đảng kỷ luật số cán bộ Trung ương quản lý nhiều đến vậy
Một số Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Trung ương Đảng đã bị kỷ luật, xử lý hình sự
Để tạo được bước đột phá trong công tác phòng, chống tham nhũng không thể không nhắc đến tính nghiêm minh trong kỷ luật Đảng. Có thể nói, chưa có nhiệm kỳ nào mà Đảng phải kỷ luật số cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý nhiều đến vậy.
Thật đau xót nhưng nói như Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng: "Không thể không làm, không có cách nào khác, tất cả là vì sự nghiệp chung của Đảng, của đất nước, của nhân dân".
Trong giai đoạn 2013 - 2020, cấp uỷ, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 131.000 đảng viên. Trong số này có 27 Uỷ viên Trung ương Đảng, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, hơn 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang. Đây là bước đột phá trong công tác kiểm tra, kỷ luật của Đảng.
131.000 đảng viên bị kỷ luật từ 2013 đến nay
Một điểm quan trọng tạo bước đột phá trong công tác phát hiện và xử lý tham nhũng là công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, rất nghiêm minh, nhưng cũng rất nhân văn. Các quan chức năng đã xử lý dứt điểm nhiều vụ án lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, cả những vụ tồn đọng kéo dài từ nhiều năm trước.
Chưa từng có nhiệm kỳ nào cán bộ cấp cao bị xử lý hình sự nhiều như nhiệm kỳ này, trong đó có cả Uỷ viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh, và nhiều tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang.
Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.
Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.
Đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự. Trong đó có 1 Uỷ viên Bộ Chính trị, 7 Uỷ viên, nguyên Uỷ viên Trung ương Đảng, 4 Bộ trưởng, nguyên Bộ trưởng, 7 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...
Thu hồi tài sản tham nhũng lớn nhất từ trước đến nay
Chúng ta không khỏi xót xa khi chứng kiến hàng loạt vụ án mà bị cáo từng là những người đã nắm những trọng trách quan trọng trong bộ máy nhà nước - những người mà có lẽ hơn ai hết hiểu rõ tác hại của vấn nạn này.
Vi phạm thì phải xử lý nghiêm minh. Tuy nhiên, với các vụ án liên quan đến tham nhũng, đối tượng phạm tội là những người có chức vụ, quyền hạn, và hiểu biết pháp luật thì một trong những điểm nghẽn lâu nay trong công tác xử lý, đó là việc thu hồi tài sản tham nhũng còn hạn chế.
Trong khi đó, đây là những đồng tiền được tích lũy từ tiền thuế của người dân, doanh nghiệp. Nhưng một điều phấn khởi là trong nhiệm kỳ này, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng đã được nâng lên rõ rệt.
Tại phiên toàn xét xử vụ án Tổng công ty Mobifone mua 95% cổ phần AVG, lần đầu tiên, tội danh đưa, nhận hối lộ đã được chỉ mặt, đặt tên với số tiền rất lớn: 3 triệu USD. Đặc biệt, trong vụ án này, tài sản bị thất thoát đã được thu hồi gần như tuyệt đối và đây không phải là vụ duy nhất.
Việc thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực. Nếu như năm 2013 tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng chỉ đạt dưới 10% thì tới 2017 tỷ lệ này tăng lên 13%, năm 2018 tăng lên tới 40% và 2019 thu hồi được tài sản với tỷ lệ rất cao đạt 114%.
Tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020 đã tăng lên tới 31,04% so với 10% giai đoạn 2013 trở về về trước.
Theo báo cáo của Ban Nội chính Trung ương thì riêng trong năm 2020 số tài sản thu hồi được trong các vụ án tham nhũng kinh tế, nghiêm trọng diện Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng chỉ đạo, theo dõi đã lên tới 14.000 tỷ đồng, chiếm gần 62% tổng số tiền thi hành án từ trước đến nay. Đây là một tín hiệu rất tốt cho thấy, việc thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục có những tín hiệu đầy tích cực.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước: Phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế
Tại hội nghị Hội nghị toàn quốc kết tổng kết công tác phòng chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020 diễn ra cách đây hơn 2 tuần, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có bài phát biểu rất quan trọng dài 75 phút, khẳng định, công tác phòng chống tham nhũng đã trở thành phong trào, xu thế.
Từ thực tiễn thời gian qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nêu lên một số bài học quý, như là phải chống tham nhũng ngay trong các cơ quan chống tham nhũng, và mọi quyền lực phải được kiểm soát chặt chẽ bằng cơ chế.
Cùng với việc tập trung chỉ đạo, phát hiện, xử lý tham nhũng, thì trong nhiệm kỳ này, công tác xây dựng thể chế về phòng, chống tham nhũng cũng được Đảng, Quốc hội, Chính phủ quan tâm đẩy mạnh, với việc từng bước hoàn thiện các cơ chế phòng ngừa chặt chẽ.
Nhiều quy định, nghị quyết đi vào cuộc sống, khắc phục phần nào những sơ hở, bất cập làm phát sinh tiêu cực, tham nhũng.
Đây cũng là một trong những bài học quý được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhắc đến khi đúc rút từ thực tiễn. Đó là phải xây dựng cho được một cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để "không thể tham nhũng", một cơ chế răn đe, trừng trị nghiêm khắc để "không dám tham nhũng" và một cơ chế bảo đảm để "không cần tham nhũng".
Trong rất nhiều vụ án tham nhũng kinh tế nghiêm trọng được đưa ra xét xử gần đây. Khi nói lời cuối cùng, có bị cáo đã bày tỏ sự ăn năn: Đây là "bài học đắt giá" vì có thể "phải trả giá bằng cả sinh mạng của mình.
Những bản án nghiêm khắc, đúng người đúng tội để các bị cáo tâm phục khẩu phục là do được xét xử công minh theo các quy định chặt chẽ của luật pháp, trong đó các thể chế pháp luật trong phòng chống tham nhũng ngày càng được hoàn thiện.
Với sự vào cuộc trách nhiệm, quyết liệt của cả hệ thống chính trị và toàn dân, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã đạt được những kết quả rất quan trọng, nhận được sự ủng hộ, tin tưởng của toàn Đảng, toàn dân. Thành tựu ấy cũng tạo thuận lợi để đội ngũ lãnh đạo khóa mới tiếp tục xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, để xứng đáng với sự tín nhiệm, mong đợi của nhân dân.
Tuy nhiên, phòng, chống tham nhũng là cuộc đấu tranh vô cùng khó khăn, phức tạp, lâu dài. Do đó, với tinh thần "không ngừng", "không nghỉ" như chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, công cuộc này cần phải tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, kiên trì, với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn và hiệu quả hơn. Tất cả vì sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của nhân dân!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!