Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. (Ảnh: VGP)
Ngay từ bây giờ phải khẩn trương chuẩn bị cho việc trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, cơ sở để Việt Nam hiện đại hóa hệ thống đường sắt đã quá lạc hậu. Yêu cầu này được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa ra tại cuộc họp của Thường trực Chính phủ chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Kết luận của Bộ Chính trị về chiến lược phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn đến năm 2050.
Từ năm 2008, Bộ Chính trị đã xác định "đường sắt cần đi trước một bước, theo hướng phát triển nhanh, đi thẳng vào hiện đại". Bám sát định hướng của Bộ Chính trị và Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trong 10 năm qua Hà Nội và TP.HCM đã có quy hoạch xây dựng 8 tuyến đường sắt đô thị. Trong đó, 5 tuyến đang được triển khai. Tuy nhiên, tuyến đường sắt xuyên quốc gia Bắc-Nam hiện hữu đã quá lạc hậu. Những tiến bộ về nâng tốc độ chạy tầu mấy năm qua không mang tính đột phá. Còn năm 2010, dự án đường sắt tốc độ cao đã được Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho ý kiến, nhưng chưa được Quốc hội thông qua và đang tiếp tục được Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định chủ trương của Đảng xác định phát triển hệ thống đường sắt Việt Nam là rất cần thiết để phát triển đất nước, tuy nhiên, hệ thống đường sắt hiện hữu bao gồm tuyến Bắc-Nam, Hà Nội-Hải Phòng và Hà Nội-Lào Cai hiện đã quá lạc hậu. Trong khi, các tỉnh Tây Nguyên cũng đang cần một tuyến đường sắt nối với các tỉnh miền Trung, còn Đồng bằng sông Cửu Long với 20 triệu dân và có khối lượng hàng hóa lưu chuyển rất lớn cũng đang cần một tuyến đường sắt kết nối với TP.HCM. Do đó, Thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải phải quan tâm nhiều hơn nữa đến việc phát triển hệ thống đường sắt, bên cạnh đường bộ, đường thủy và hàng không.
Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải xây dựng và lập Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển đường sắt Việt Nam từ nay đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, cùng với kế hoạch cho từng giai đoạn 5 năm theo tinh thần lớn là phải cải cách mạnh mẽ ngành đường sắt. Trong đó, cần đưa ra một phương án khả thi, cụ thể về đầu tư và xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Đây phải là xương sống của Chiến lược. Bộ Giao thông vận tải phải đề xuất cơ chế, chính sách, giải pháp huy động nguồn lực cả xã hội và nhà nước, lựa chọn công nghệ và suất đầu tư tuyến đường sắt này để các nhà khoa học và nhân dân đóng góp ý kiến trước khi Hội đồng thẩm định Nhà nước thẩm định.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành các thủ tục để trong năm 2021 trình các cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư và thời điểm đầu tư tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Chỉ khi chủ trương đầu tư được phê duyệt, Chính phủ mới có cơ sở pháp lý để thuê tư vấn lập dự án hoặc chuẩn bị mặt bằng. Nếu không có quyết tâm để khẩn trương chuẩn bị ngay từ bây giờ thì rất lâu nữa đất nước mới có được tuyến đường sắt xuyên quốc gia cùng với các tuyến đường sắt liên tỉnh, liên vùng và đường sắt đô thị hiện đại đáp ứng được yêu cầu phát triển đất nước trong những thập niên tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!