Thủ tướng: Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 26/08/2020 20:03 GMT+7

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh các bộ, ngành liên quan phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật và Chiến lược về Chính phủ điện tử.

Chiều 26/8, tại Trụ sở Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử (CPĐT) tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng CPĐT bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban chủ trì phiên họp.

Theo Báo cáo khảo sát xếp hạng Chính phủ điện tử mới nhất của LHQ, từ tháng 8/2017 đến tháng 7/2019, Việt Nam tăng được 2 bậc, xếp hạng 86 trong 193 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong các chỉ số thành phần, Việt Nam có chỉ số hạ tầng viễn thông tăng 31 bậc, nhưng tụt 22 bậc ở Chỉ số dịch vụ trực tuyến.

Thủ tướng: Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - Ảnh 1.

Báo cáo này chưa ghi nhận nỗ lực của Việt Nam trong 1 năm trở lại đây nhưng đánh giá cao ngành thuế Việt Nam thực hiện khai thuế điện tử, thanh toán điện tử và hải quan điện tử. Kết quả này tương ứng với Chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin ở trong nước, khi Bộ Tài chính ở vị trí thứ nhất trong 17 Bộ và cơ quan ngang Bộ được đánh giá. Còn Thừa Thiên-Huế đứng đầu 63 tỉnh, thành. Vị trí cuối cùng thuộc về tỉnh Cao Bằng.

Tuy nhiên, Việt Nam xếp hạng trung bình thế giới và châu Á về chỉ số dữ liệu mở. Nguyên nhân là 6 cơ sở dữ liệu quốc gia của cả nước, trong đó 2 cơ sở dữ liệu quan trọng nhất về dân cư và đất đai vẫn đang được xây dựng. Còn các bộ cũng chưa chia sẻ dữ liệu cho nhau.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong 7 tháng đầu năm nay, tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam có bước tiến rõ rệt. Đến nay, 80% nhiệm vụ được nêu trong Nghị quyết 17 về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử đã được hoàn thành. Tuy nhiên, từ nay đến cuối năm, để tăng thêm được 8 bậc nữa trong xếp hạng Chính phủ điện tử của LHQ và tối thiểu đạt được 30% dịch công trực tuyến ở mức độ 4 thì vẫn là một thách thức rất lớn vì hiện nay mới chỉ được 16%.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, 2 năm gần đây, xây dựng Chính phủ điện tử ở Việt Nam mặc dù đã có bước tiến quan trọng sau nhiều năm nói mà không làm được. Thế nhưng, nhiều tồn tại vẫn chưa được khắc phục nhanh do đó, cần phải tăng tốc độ hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu các bộ có liên quan phải tập trung xây dựng thể chế pháp luật và chiến lược về Chính phủ điện tử. Trước hết, Bộ Công an trong năm nay phải xây dựng xong dự thảo Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Trong quý III, Bộ Thông tin và Truyền thông trình Chính phủ xem xét ban hành Nghị định về định danh và xác thực điện tử cùng với trình Thủ tướng ban hành Chiến lược phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Thủ tướng: Trong năm 2020, cung cấp ít nhất 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 - Ảnh 2.

Bên cạnh đó, cần phải sớm ban hành một văn bản quy phạm pháp luật về chia sẻ dữ liệu công khai minh bạch. Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến các bộ, ngành và địa phương, Thủ tướng yêu cầu trong năm nay phải hoàn thành mục tiêu cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng dịch vụ công Quốc gia, hướng đến năm 2021 hầu hết các dịch vụ công trực tuyến phải ở mức độ 4. Thủ tướng giao Bộ Thông tin và Truyền thông hàng tháng thống kê và kiểm tra tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 của từng bộ và từng tỉnh.

Về nhiệm vụ thực hiện chuyển đổi số, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Thông tin và Truyền thông trong tháng 12 tới trình Chính phủ dự thảo Nghị định về kiện toàn các đơn vị chuyên trách về công nghệ thông tin thành các đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số của các bộ ngành và địa phương.

Trong thời gian chờ ban hành Nghị định này, các bộ ngành và địa phương chủ động bổ sung chức năng nhiệm vụ kiện toàn các đơn vị này theo hướng sớm hình thành đơn vị chuyên trách về chuyển đổi số. Bộ Thông tin và Truyền thông cũng được giao xây dựng trình Thủ tướng Đề án kiện toàn, nâng cấp lại Cục Tin học hóa trực thuộc Bộ có đủ năng lực để dẫn dắt tiến trình chuyển đổi số quốc gia, cùng với một số đề án chuyển đổi số ở một số lĩnh vực phù hợp với thực tiễn Việt Nam.

Cùng với biểu dương các doanh nghiệp công nghệ đã có nhiều đóng góp nhân nhân lực và tài lực để góp phần phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc chỉ trong một thời gian ngắn Việt Nam đã có 50.000 doanh nghiệp về công nghệ là sự tiến bộ rất lớn. Do đó, cần tiếp tục khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ phát triển nhanh hơn nữa, đi cùng với xác định rõ ràng vai trò, trách nhiệm của các doanh nghiệp công nghệ trong xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số và nền kinh tế số ở Việt Nam.

Việt Nam tiếp tục tăng bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc Việt Nam tiếp tục tăng bậc trong bảng xếp hạng Chính phủ điện tử của Liên Hợp Quốc

VTV.vn - Theo báo cáo khảo sát Chính phủ điện tử năm 2020 của LHQ, Việt Nam được xếp thứ 86 trong 193 quốc gia, vùng lãnh thổ là thành viên LHQ, tăng 02 bậc so với năm 2018.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước