Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí

VTV News-Thứ hai, ngày 31/10/2022 06:00 GMT+7

VTV.vn - Hôm nay (31/10), Quốc hội dành trọn ngày làm việc để thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Hôm nay (31/10), Quốc hội bước sang tuần làm việc thứ 3 của kỳ họp thứ Tư.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn giám sát của Quốc hội Nguyễn Phú Cường trình bày Báo cáo của Đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Quốc hội sẽ xem lại quá trình giám sát và kết quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021.

Sau đó, các đại biểu thảo luận ở hội trường về nội dung này.

Phiên thảo luận của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021 sẽ được truyền hình trực tiếp trên kênh VTV1 từ 8h00 đến 11h30 và từ 14h00 đến 17h30 ngày 31/10 để cử tri và Nhân dân cả nước theo dõi.

Nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát

Đoàn giám sát chuyên đề "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành, tiết kiệm chống lãng phí giai đoạn 2016-2021" do Thượng tướng Trần Quang Phương, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Nguyễn Phú Cường làm Phó Trưởng Đoàn Thường trực; Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường làm Phó Trưởng Đoàn.

Theo Nghị quyết số 18/2021/QH15 của Quốc hội, phạm vi giám sát chuyên đề là việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (THTK,CLP) từ ngày 1/1/2016 đến ngày 31/12/2021 và thời kỳ trước, sau có liên quan trên phạm vi cả nước. Nội dung giám sát tập trung đánh giá kết quả đạt được, hạn chế, khó khăn, vướng mắc, xác định nguyên nhân, chỉ rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP; kiến nghị giải pháp nâng cao hiệu quả công tác THTK,CLP và hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan. Dư luận, cử tri và Nhân dân rất quan tâm nội dung giám sát chuyên đề này.

Để triển khai chuyên đề giám sát, Quốc hội giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo Đoàn giám sát xây dựng kế hoạch giám sát và tổ chức thực hiện. Trong quá trình triển khai, Chủ tịch Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao, có ý kiến cụ thể ngay từ bước chuẩn bị ban đầu và trong cả quá trình giám sát. Cụ thể: UBTVQH đã dành thời gian tại 4 Phiên họp để thảo luận, cho ý kiến, xác định mục tiêu, giới hạn phạm vi, nội dung trọng tâm, trọng điểm giám sát chuyên đề; phương pháp giám sát; kế hoạch, đề cương báo cáo và kết quả của từng thời điểm giám sát. Để bảo đảm tính khả thi, UBTVQH đã giới hạn phạm vi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP trong khu vực công, tập trung vào 5 nội dung trọng điểm và 7 lĩnh vực trọng tâm.

Trong quá trình giám sát, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã trực tiếp tham dự một số cuộc làm việc với Đoàn giám sát, một số Bộ, địa phương và có ý kiến cụ thể về nội dung, phương pháp, nâng cao hiệu quả, chất lượng giám sát.

Thông qua giám sát, kết quả bước đầu đã có tác động làm chuyển biến cả về nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP.

Theo yêu cầu của Đoàn giám sát, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung rà soát tổng thể tình hình và các thông tin, số liệu liên quan đến THTK,CLP, qua đó đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế trong công tác xây dựng, ban hành chính sách pháp luật, các văn bản chỉ đạo điều hành trong công tác THTK,CLP; trong tổ chức triển khai thực hiện.

Qua công tác giám sát đã giúp các cơ quan, đơn vị nhận thức sâu sắc và có trách nhiệm hơn trong công tác thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP.

Nhiều bộ, ngành, địa phương qua kiến nghị ban đầu của Đoàn giám sát đã tăng cường công tác rà soát, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện chính sách, pháp luật về THTK,CLP tại bộ, ngành, địa phương; ban hành kế hoạch, giải pháp, phân công trách nhiệm đối với từng tổ chức, cá nhân để chấn chỉnh, khắc phục ngay các tồn tại, hạn chế mới phát hiện.

Qua giám sát, Đoàn giám sát đã nhận diện những hạn chế, vướng mắc, tồn tại đang tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát của một số lĩnh vực cụ thể cần phải tiếp tục đi sâu giám sát chuyên sâu để tiếp tục nhận diện, khẳng định thực trạng và đề ra các giải pháp giải quyết căn cơ, cụ thể.

Tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Đoàn giám sát đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét có ý kiến các Đoàn giám sát chuyên đề tối cao của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2023 bổ sung các nội dung giám sát chuyên sâu việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí về: Hiệu quả, khai thác sử dụng các công trình, dự án sử dụng vốn các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020; Mua sắm thuốc, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị, đầu tư dự án thuộc lĩnh vực y tế; Quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước, ODA đối với việc đổi mới chương trình, biên soạn và xuất bản sách giáo khoa; Quản lý, sử dụng tiết kiệm năng lượng vào kế hoạch, đề cương giám sát của các Đoàn.

Đoàn giám sát cũng đề xuất Quốc hội xem xét tiếp tục thực hiện các cuộc giám sát chuyên đề của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong kế hoạch năm 2024, 2025, như: Giám sát quản lý, sử dụng đất đai, trọng tâm việc xử lý các dự án "treo", đất đai hoang hóa, lãng phí, vi phạm các quy định pháp luật về đất đai, đầu tư; Việc quản lý, sử dụng kinh phí sự nghiệp khoa học; Quản lý và sử dụng tài sản nhà đất công.

Truyền hình trực tiếp: Quốc hội thảo luận về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí - Ảnh 1.

Đồ họa: Quochoi.vn

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước