Việt Nam cam kết giảm 30% lượng phát thải metan vào năm 2030

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 03/11/2021 06:29 GMT+7

Thủ tướng Phạm Minh Chính (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Đó là nhấn mạnh của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu trong khuôn khổ Hội nghị COP26.

Tối 2/11 (theo giờ Việt Nam), trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc COP26 tổ chức tại Vương quốc Anh, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự và phát biểu tại sự kiện công bố Cam kết giảm phát thải metan toàn cầu do Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen đồng chủ trì.

Có gần 90 quốc gia đã tham gia thỏa thuận cam kết giảm phát thải metan toàn cầu. Theo Liên Hợp Quốc, việc cắt giảm đáng kể lượng khí thải metan trong thập kỷ này có thể tránh được tình trạng Trái đất nóng lên gần 0,3 độ C vào những năm 2040. Còn nếu không cắt giảm, khí metan sẽ cản trở mục tiêu của Thỏa thuận Paris là hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

Phát biểu tại lễ công bố, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Tổng thống Hoa Kỳ và Chủ tịch Ủy ban châu Âu đã mời tham dự sáng kiến cam kết giảm thải khí metan. Tại sự kiện ý nghĩa này, Thủ tướng gửi đi 2 thông điệp.

Thứ nhất, metan sinh ra từ sản xuất, khai thác xử lý rác thải chưa khoa học, thiếu bền vững, thiếu an toàn nên làm nhiệt độ Trái đất tăng lên. Vì vậy, thế giới phải đoàn kết, thống nhất, cùng hành động để ngăn chặn, đẩy lùi, làm giảm phát thải metan đang đe dọa cuộc sống. Thông điệp thứ hai, Thủ tướng nhấn mạnh đến vai trò, sự chia sẻ, hỗ trợ của các nước phát triển.

''Việt Nam là một nước đã phải trải qua nhiều năm chiến tranh, là nước đang phát triển nhưng Việt Nam cam kết mạnh mẽ về việc cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan vào năm 2030. Vì vậy, tôi kêu gọi các nước phát triển chia sẻ, hỗ trợ, giúp đỡ các nước đang phát triển, nước nghèo về hoàn thiện thể chế, đào tạo nguồn nhân lực gắn với đổi mới sáng tạo, bố trí tài chính xanh phù hợp, hiệu quả, chia sẻ công nghệ xanh và quản trị quốc gia. Qua đó, giúp các nước tham gia vào tiến trình làm giảm phát thải metan hiệu quả, góp phần bảo vệ hành tinh chung của nhân loại luôn xanh, bền vững và an toàn'', Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.

Nhiều quốc gia trong đó có Việt Nam cũng đang hướng tới mục tiêu chung là trung hòa về Carbon vào năm 2050. Đây được coi là mục tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay. Thông điệp cũng như quyết tâm của Việt Nam thể hiện tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ (COP26) những ngày qua đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao.

Theo bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam: ''Thông điệp của Việt Nam gửi tới thế giới là sẽ cam kết đi theo lộ trình tăng trưởng xanh. Về phía Ngân hàng Thế giới, chúng tôi đánh giá đây là một mục tiêu đầy tham vọng, đi kèm với đó là nhiều thách thức về mặt kỹ thuật, ngân sách để thực hiện. Ngân hàng Thế giới luôn sẵn sàng hợp tác và hỗ trợ chính phủ Việt Nam để đạt mục tiêu đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050''.

''Ngài Thủ tướng đã nhấn mạnh tầm quan trọng của công bằng và công lý trong việc giải quyết khủng hoảng khí hậu. Chúng ta phải đảm bảo rằng, những người bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi cuộc khủng hoảng khí hậu được hỗ trợ nhiều nhất. Trên tất cả là thông điệp mạnh mẽ về cách chúng ta có thể làm việc cùng nhau để giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu. UNDP sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các cam kết đó một cách nhanh chóng và mạnh mẽ nhất có thể'', ông Terence D. Jones, Quyền Trưởng đại diện thường trú Chương trình phát triển LHQ tại Việt Nam cho biết.

Còn theo Đại sứ Vương quốc Đan Mạch tại Việt Nam Kim Hojlund Christensen: ''Tại COP 26, điều cần thiết là tất cả phải thực hiện lời hứa của Thỏa thuận Paris. Để đạt được điều này, các quốc gia cần đặt ra những mục tiêu tham vọng hơn nữa về giảm phát thải. Đó là lý do tại sao Đan Mạch cam kết giảm 70% lượng khí thải vào năm 2030. Chúng tôi tin rằng điều này không chỉ cần thiết mà hoàn toàn có thể thực hiện được. Chúng tôi xin thông báo là Đan Mạch có thể đóng góp ít nhất nửa tỷ USD hàng năm cho đến năm 2030".

Trước đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự sự kiện Hành động về rừng và sử dụng đất do Thủ tướng Anh Boris Johnson chủ trì với sự tham gia của nguyên thủ các nước và lãnh đạo các tổ chức, các bên liên quan.

Với việc thông qua Tuyên bố, hơn 100 nhà Lãnh đạo cam kết ngăn chặn và đảo ngược tình trạng mất rừng và suy thoái đất vào năm 2030, góp phần đạt mục tiêu giữ cho nhiệt độ toàn cầu tăng ở mức 1,5°C, đồng thời hỗ trợ phát triển bền vững, chuyển đổi công bằng ở khu vực nông thôn thông qua các hành động cụ thể, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh quốc gia.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước