Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Sáng nay (28/8), Tiểu ban Kinh tế - Xã hội của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã họp dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Tiểu ban - để cập nhật và hoàn thiện dự thảo báo cáo về kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và 5 năm vừa qua, cùng với dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm tới và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong 5 năm tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Tiểu ban phát biểu. Ảnh: TTXVN.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, đại dịch COVID-19 đã gây ra khủng hoảng y tế, dẫn đến khủng hoảng kinh tế trên phạm vi toàn cầu, với hậu quả còn lớn hơn cả hậu quả của cuộc khủng hoảng năm 1929 và 1933. Ở nhiều nước đã xuất hiện khủng hoảng xã hội do thất nghiệp và thiếu việc làm. Cuộc khủng hoảng này đã tác động tới tất cả mọi cá nhân, cộng động ở tất cả các nước dù lớn hay nhỏ, giàu hay nghèo.
Với Việt Nam, là một nền kinh tế có độ mở lớn, kim ngạch xuất nhập khẩu gần gấp đôi tổng sản phẩm trong nước, nên tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước nửa đầu năm nay, dù ở nhóm cao của thế giới, nhưng cũng chỉ đạt 1,81%. Do đó, việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm vừa qua, cùng với dự thảo Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm và Phương hướng, nhiệm vụ phát triển trong 5 năm tới cần phải được cập nhật và hoàn thiện.
Các đại biểu dự cuộc họp. Ảnh: TTXVN.
Trong cập nhật kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, các thành viên của Tiểu ban nhất trí với đề xuất đánh giá theo 2 giai đoạn, giai đoạn 1 từ năm 2016 - 2019, giai đoạn 2 chỉ đánh giá riêng năm 2020. Còn Phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới cũng chia thành hai giai đoạn với 2 năm đầu (2021 - 2022) tập trung vào phục hồi kinh tế, 3 năm sau là giai đoạn tăng tốc.
Các thành viên của Tiểu ban cho rằng đại dịch COVID-19 đang làm thay đổi trật tự, cách thức tổ chức và phương thức quản lý trên toàn cầu, nhất là về tổ chức đời sống, xã hội, sản xuất và kinh tế ở các nước. Vì thế, Việt Nam cần phải có các giải pháp để hóa giải các nguy cơ, thách thức, đồng thời đổi mới tư duy về cách làm việc và cách sống, nhất là thực hiện quyết liệt chuyển đổi số quốc gia, tận dụng thời cơ để tổ chức lại các hoạt động kinh tế, nhất là xây dựng các mô hình kinh tế mới để tận dụng thời cơ mới để phục hồi nền kinh tế và tăng tốc trong 5 năm tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!