“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải được xây dựng theo tư duy mới”

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 19/08/2020 19:35 GMT+7

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: VGP)

VTV.vn - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra yêu cầu trên tại cuộc họp Thường trực Chính phủ diễn ra vào chiều nay (19/8).

Dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, chiều nay (19/8), Thường trực Chính phủ đã cho ý kiến định hướng dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Kế hoạch đầu tư công - trung hạn cho giai đoạn 5 năm tới; dự thảo Báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước của năm nay.

Thường trực Chính phủ và Lãnh đạo một số bộ cho rằng, sau khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng cuối tháng 7 vừa qua, các dự báo, hay kịch bản tăng trưởng kinh tế của Việt Nam từ nay đến cuối năm đều phải được cập nhật lại.

Với dịch bệnh như hiện nay, khi chỉ có Nga sản xuất được vaccine phòng COVID-19, kinh tế thế giới sẽ tiếp tục gặp khó khăn rất lớn đến hết cả năm sau. Trong khi đó, hầu như các nền kinh tế trong ASEAN và ở châu Á đều tăng trưởng âm rất sâu. Trong bối cảnh đó, kinh tế Việt Nam giữ được tăng trưởng dương, dù ở mức thấp những cũng đã rất may mắn. Tuy nhiên, Chính phủ cũng cần có niềm tin để xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách và đầu tư công cho 5 năm tới trên tinh thần lạc quan hơn.

Vì vậy, dù dự báo thu ngân sách năm nay và cả một vài năm tiếp theo có thể gặp khó khăn, nhưng khi nền kinh tế suy giảm thì càng cần phải tăng cường đầu tư. Do đó, Chính phủ cần xem xét tăng tổng vốn đầu tư công trong 5 năm tới lên từ 1,3% - 1,5% so với nhiệm kỳ này. Trong đó, trọng tâm, trọng điểm là đầu tư xây dựng cao tốc Bắc - Nam, nhất là từ TP.HCM đi Cà Mau và đường ven biển, từ Kiên Giang đi Bến Tre. Tuyến đường ven biển này sẽ là bước phát triển vượt bậc, mở ra một không gian phát triển rộng lớn đối với các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, cần phải có một kế hoạch tái thiết nền kinh tế và phát triển nhằm tạo ra nguồn thu ngân sách, tạo việc làm, cũng như làm cho quy mô Tổng sản phẩm trong nước lớn lên, đó là cách tốt nhất để làm nợ công và bội chi ngân sách nhỏ đi.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh dự thảo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch đầu tư công trung hạn, hay kịch bản cho những tháng cuối năm nay chính là thể hiện sự khát vọng phát triển đất nước, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19 không chỉ ảnh hưởng đến Việt Nam trong năm nay mà cả năm 2021, các kế hoạch này phải được xây dựng theo tư duy mới, để đảm bảo nền kinh tế không bị đứt gãy và giữ được tăng trưởng của năm nay ở mức cần thiết; đặc biệt là các giải pháp về bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động và đời sống của nhân dân.

“Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phải được xây dựng theo tư duy mới” - Ảnh 1.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: VGP)

Thủ tướng nhấn mạnh yêu cầu Chính phủ không thể bị động trong chỉ đạo điều hành và xây dựng kế hoạch; càng khó khăn thì càng phải chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó, nên nhiệm vụ lúc này là phải có giải pháp, đối sách rõ ràng, hiệu quả, khả thi để giảm thiểu thiệt hại do đại dịch CVID-19 gây ra; đồng thời thúc đẩy phục hồi kinh tế, kể cả trong ngắn hạn và trung hạn.

Tất cả các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương không thể khoanh tay đứng nhìn hay vô cảm với người dân và doanh nghiệp. Đây cũng là truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Đảng, của chế độ và xã hội chúng ta.

Trên tinh thần đó, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các Bộ trưởng phải thấm nhuần tinh thần chủ động, tích cực, nỗ lực vượt khó cũng như phải thể hiện trách nhiệm trước nhân dân và đất nước, không quyền anh, quyền tôi, hay bị suy nghĩ cá nhân chi phối. Tất cả thống nhất quan điểm phải nỗ lực hành động để hỗ trợ phục hồi phát triển kinh tế - xã hội và sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cùng với Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội nghiên cứu mở rộng gói hỗ trợ doanh nghiệp thông qua miễn, giảm, giãn hạn nộp thuế, phí, cũng như xây dựng gói hỗ trợ an sinh xã hội xã hội thứ 2 trên cơ sở rút kinh nghiệm sâu sắc từ gói 62.000 tỷ, với các điều kiện quá chặt chẽ. Còn phương án thu chi ngân sách nhà nước năm tới, thậm chí là cả những năm sau phải tiếp tục khoan thư sức dân, tiếp tục miễn, giãn, giảm thuế và phí để nâng đỡ doanh nghiệp, kích thích tiêu dùng nội địa và hỗ trợ người lao động.

Đồng thời Thủ tướng cũng yêu cầu phải thiết kế chính sách cụ thể để hỗ trợ các lĩnh vực rất khó khăn hiện nay, như: vận tải, du lịch, giáo dục, dệt may, đi cùng với chính sách để thúc đẩy phát triển các nền tảng trực tuyến và ứng dụng công nghệ mới, đổi mới sáng tạo, kinh tế số và kinh tế chia sẻ.

Cùng với chính sách tài khóa mở rộng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có chính sách tiền tệ để kích thích tổng cầu, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng vẫn duy trì được sự ổn định của kinh tế vĩ mô.

Về đầu tư cho phát triển, Thủ tướng yêu cầu bên cạnh việc tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, cần phải có giải pháp huy động các nguồn lực xã hội nhất là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài để đóng góp vào phục hồi nền kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, việc xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và đầu tư công cho 5 năm tới là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, quyết định tới sự phát triển của đất nước 5 năm tới đây, do đó các bộ cần tập trung hoàn thiện dự thảo với chất lượng cao nhất để Chính phủ thảo luận tại phiên họp Chính phủ vào đầu tháng 9, trước khi trình các cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Gắn cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình: Gắn cải cách hành chính với phát triển kinh tế - xã hội

VTV.vn - Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình cho rằng Vĩnh Phúc có nhiều quyết tâm trong chỉ đạo, điều hành trên cơ sở gắn kết giữa cải cách hành chính với phát triển KT-XH.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước