Gần 800 mã chứng khoán niêm yết trên 2 sàn. Số mã có tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài đã kịch trần 49% hiện nay cũng chỉ trên dưới 20 mã, chiếm 2,5% trên thị trường và cũng tập trung chủ yếu vào các mã vốn hóa lớn, cơ bản tốt như VNM, FPT...
Như vậy, dư địa đầu tư vào thị trường chứng khoán còn rất lớn, chưa kể tới một lượng hàng lớn sắp được tung ra thị trường khi tốc độ cổ phần hóa đang được đẩy mạnh. Thế nhưng, một trong những quan tâm hàng đầu của các nhà đầu tư nước ngoài hiện nay, đó là bao giờ việc nới room mới thành hiện thực.
Số vốn nhà đầu tư ngoại nắm giữ, tính riêng tại sàn thành phố, ước tính khoảng 265.000 tỷ đồng, tới hơn 1/4 tổng giá trị vốn hóa toàn thị trường chứng khoán Việt Nam. Tuy nhiên, con số này vẫn còn khiêm tốn so với khả năng của dòng vốn ngoại.
Đại diện một số công ty quản lý quỹ cho biết, họ đã tiếp xúc với vài trăm nhà đầu tư nước ngoài trong 1-2 năm qua. Tuy nhiên, nhận định chung là với giới hạn tỷ lệ sở hữu hiện nay, để giải ngân một lượng vốn lớn vào thị trường là quá khó.
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt trong quý I với mức tăng 17% trên sàn thành phố HCM và trên 30% trên sàn Hà Nội. Mức tăng hấp dẫn, nhưng các nhà đầu tư nước ngoài cũng đang có nhiều sự lựa chọn, khi mà những thị trường mới nổi khác như Indonesia cũng đang rất hấp dẫn dòng vốn.
Nới room lên 60%, 70% hay 100% là yếu tố quyết định đến đầu tư của khối ngoại, nhưng cũng không phải là tất cả. Quan trọng hơn là những cam kết thị trường được thực hiện, là lòng tin vào tính minh bạch tại thị trường Việt Nam.