Giải quyết bài toán nguyên phụ liệu cho ngành da giày Việt Nam

Trung tâm Phim tài liệu và Phóng sự-Thứ bảy, ngày 17/09/2016 21:43 GMT+7

VTV.vn - Thiếu đồng bộ trong cung ứng nguyên phụ liệu đang là nút thắt của ngành da giày, khiến GTGT toàn ngành chưa tương xứng với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp.

Chiếm 5% sản lượng toàn cầu, Việt Nam hiện đang là quốc gia sản xuất giày dép lớn thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ, đồng thời giữ vị trí thứ 2 thế giới về kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này với tỷ trọng thị phần 7,3%. Hiện tại, các sản phẩm trong ngành da giày và túi xách của Việt Nam đã có mặt ở 50 nước trên thế giới, đặc biệt là các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…

Kim ngạch xuất khẩu ngành da giày và túi xách Việt Nam đạt được trong năm 2015 là 14,9 tỉ USD, chiếm khoảng 10% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng năm của cả nước. Với con số này, da giày là mặt hàng chủ lực đứng thứ 3 sau dệt may, điện thoại và linh kiện điện tử. Tuy nhiên, tỷ lệ nội địa hóa của ngành mới chỉ đạt mức 40 - 50% và những nguyên liệu quan trọng nhất vẫn phải nhập khẩu. Sự thiếu đồng bộ trong cung ứng nguyên phụ liệu đang trở thành nút thắt của ngành da giày Việt Nam, khiến giá trị gia tăng của toàn ngành chưa tương xứng với năng lực sản xuất của các doanh nghiệp.

Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, trong 7 tháng đầu năm 2016, xuất khẩu toàn ngành da giày - túi xách đạt 9,3 tỉ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2015. Với kết quả này, sản xuất của toàn ngành đang có dấu hiệu chững lại và khó có thể đạt được mục tiêu kế hoạch đã đặt ra cho năm 2016.

Việc ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian qua đã cho thấy những nỗ lực của Chính phủ và các Bộ ngành hữu quan trong việc giúp các doanh nghiệp của Việt nam tiếp cận với thị trường rộng lớn của thế giới. Tuy vậy, sân chơi TPP và các FTA khác cũng đang đặt ra hàng loạt những yêu cầu mới cho ngành da giày, nhất là yêu cầu về chất lượng hàng hóa, sức cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, khả năng giải quyết tranh chấp thương mại, hỗ trợ thông tin thị trường thế giới và phát triển thị trường trong nước. Ngoài ra, còn một yêu cầu quan trọng là vấn đề quy tắc xuất xứ về nguyên phụ liệu và đó cũng chính là điểm yếu của ngành da giày Việt Nam.

Theo thống kê từ thực tế, có đến 65 - 70% số doanh nghiệp sản xuất giày dép, túi xách ở trong nước đang thực hiện theo phương thức sử dụng nguồn nguyên liệu, thiết kế do khách hàng nước ngoài cung cấp và gắn nhãn hiệu sản phẩm theo yêu cầu của khách hàng. Chỉ khoảng 25 - 30% số doanh nghiệp còn lại sản xuất theo phương thức tự thiết kế sản phẩm, tự mua nguyên liệu và có nhãn hiệu riêng.

Trên thực tế, Việt Nam đã chủ động được nguyên liệu giày vải và một số dòng sản phẩm khác từ 30 - 40%, tuy nhiên, vẫn có đến 70% doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn vào nguồn nguyên liệu nhập từ nước ngoài. Hàng năm, Việt Nam chi tới khoảng 300 triệu USD để nhập da giả và da thuộc. Nhà máy thuộc da ở trong nước chưa đáp ứng được nổi 10% nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất trong ngành.

Thực tế sản xuất nhiều năm qua cho thấy nguyên phụ liệu chiếm tỷ trọng lớn từ 70 - 75% trong cơ cấu giá thành các sản phẩm giày dép. Trong khi đó, tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm của doanh nghiệp trong ngành hiện chỉ đạt 40 - 50% và vẫn phải nhập khẩu hầu hết các nguyên liệu quan trọng như da thuộc, da nhân tạo, vải mũ giày, nhựa PVC, sơn PU, vải, keo và phụ thuộc vào chủ hàng từ nguồn nguyên phụ liệu cho đến mẫu mã, khả năng marketing. Đó chính là nguyên nhân khiến cho giá trị gia tăng trong mỗi sản phẩm giày da, túi xách của chúng ta không cao, các doanh nghiệp sản xuất luôn ở trong thế bị động khi phải phụ thuộc vào nguồn cung ứng nguyên phụ liệu từ nước ngoài.

Bộ Công Thương cho biết đã phê duyệt điều chỉnh "Quy hoạch phát triển ngành da giày Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035". Theo đó, Bộ đã điều chỉnh lại quy hoạch ngành da giày tập trung vào việc hình thành một mạng lưới công nghiệp da giày trên phạm vi cả nước, tạo cơ hội để các ngành công nghiệp hỗ trợ và các ngành kinh tế, dịch vụ khác cùng phát triển; phân bố hợp lý hơn về năng lực sản xuất da giày giữa các khu vực trong nước.

Theo mục tiêu của ngành da giày, đến năm 2020, Việt Nam sẽ sản xuất khoảng 1.698 tỉ đôi giày dép, 311 triệu sản phẩm ba-lô, túi xách, 63 triệu tấn da cứng… Ngành da giày sẽ thu hút khoảng hơn 1 triệu lao động, doanh thu xuất khẩu của ngành đạt 24,5 tỉ USD. Các doanh nghiệp luôn mong muốn khi nút thắt về nguyên phụ liệu được tháo gỡ thông qua sự điều chỉnh Quy hoạch và chiến lược phát triển, ngành da giày Việt Nam sẽ đạt được mục tiêu trên.

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước