Những năm gần đây, hệ thống các trường tư thục tạo dựng được uy tín, thương hiệu, cha mẹ học sinh sẵn sàng bỏ ra khoản chi phí lớn gấp nhiều lần học phí trường công lập để cho con theo học. Nhiều nhà đầu tư cũng nhìn thấy đây là cơ hội để đóng góp cho giáo dục nước nhà. Hiện nay, trường tư thục có 2 cột trụ để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư, đó là quyền sở hữu và quyền điều hành nhà trường. Tuy vậy, những quy định về hai nội dung này trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) được trình Quốc hội trong kỳ họp tới đang khiến không ít trường tư thục lo lắng.
Học sinh phải được học bóng rổ hay bóng đá trong môn thể dục; kiến trúc, đồng phục của nhà trường đều phải được thiết kế hiện đại, văn minh..., hiện nay, từ việc lớn đến việc nhỏ tại Trường Marie Curie, quyền quyết định cao nhất vẫn thuộc về thầy hiệu trưởng, đồng thời là nhà đầu tư duy nhất.
Thế nhưng quyền điều hành này của thầy Khang (Hiệu trưởng trường Marie Curie, Hà Nội) có thể thay đổi nếu khoản 3 điều 56 của Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực. Theo điều khoản mới này, Hội đồng trường có thể thay thế nhiệm vụ và quyền hạn của Hội đồng quản trị, trong đó, Hội đồng trường lại bao gồm cả nhà đầu tư và rất nhiều thành viên không góp vốn.
Lo lắng bị tước quyền điều hành, các nhà đầu tư của nhiều trường phổ thông tư thục trên cả nước đã gửi kiến nghị đến Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội.
Ngoài quyền điều hành, một mối lo khác khiến thầy Khang ký tên vào bản kiến nghị, đó là nội dung của Điều 100 trong dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi có thể tước đoạt quyền sở hữu, bởi khái niệm hoàn toàn xa lạ so với luật hiện hành: "Quyền sở hữu trường tư thục thuộc về pháp nhân nhà trường".
Cũng theo, lãnh đạo các trường, Luật Giáo dục 2005 được sửa đổi năm 2009 đã xác định rất rõ quyền sở hữu và quyền điều hành của các trường tư thục giúp thúc hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục phát triển mạnh mẽ trong những năm qua, vì vậy sự thay đổi này là không cần thiết.
Trên thực tế, mâu thuẫn về quyền điều hành và quyền sở hữu tại các trường tư thục đã xuất hiện trước năm 2005. Trước đây, để mở trường dân lập phải do một cơ quan hoặc một tổ chức đứng tên, làm Chủ tịch Hội Hội đồng quản trị, nhưng chi phí đầu tư xây dựng trường dân lập hầu hết là của nhà đầu tư. Chính vì mâu thuẫn này, nhiều trường dân lập đã phải giải thể.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!