Với những người đồng bào dân tộc thiểu số, không biết cái chữ đồng nghĩa với cái nghèo. Chính vì thế, những bậc làm cha mẹ luôn mong muốn con cái của mình có thể đến gần hơn với các chữ, để cuộc sống của các con có thể khá hơn.
Cha mẹ của em Hai tại huyện Chư Păh (Chư Pạ), tỉnh Gia Lai trong chuyến hành trình của Cặp lá yêu thương số 53 tại đây cũng có những ước mong như vậy với 5 anh em Hai.
Năm anh em Hai, rải đều từ mẫu giáo đến lớp 4. Hai năm nay lớp 3, con thứ trong gia đình. Còn quá bé để giúp đỡ bố mẹ, nên cả 5 anh em những lúc không phải đến trường sẽ cùng chúng bạn chơi đùa ở những khoảng đất trống quanh nhà. Say sưa trong những trò chơi, lũ trẻ dễ dàng tìm thấy niềm vui. Nhưng những nụ cười giòn tan vui vẻ ấy của trẻ nhỏ không đến từ sự giàu có kinh tế. Cha mẹ các em ngày ngày vẫn cặm cụi kiếm thêm thu nhập từ những thước đất cằn cỗi.
"Mong con bằng người ta" là ước muốn của phần lớn người làm cha mẹ. Nhưng với những người đồng bào Ba Na nơi vùng đất Tây Nguyên nắng gió, "bằng người ta" chỉ đơn giản là các con được học, được biết cái chữ để cuộc sống tương lai bớt nghèo khó.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!