Hạn mặn đang xâm nhập và ảnh hưởng như thế nào?

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ ba, ngày 17/03/2020 14:08 GMT+7

VTV.vn - Đồng lúa nứt nẻ, kênh rạch trơ đáy, nước ngọt mặn chát, người dân vùng sông nước miền Tây đang chống chọi với cơn khát khi hạn hán và xâm nhập mặn cùng lúc tấn công.

Hiện 5 tỉnh miền Tây đã phải công bố tình trạng hạn mặn khẩn cấp gồm: Tiền Giang, Bến Tre, Long An, Kiên Giang, Cà Mau. Trong đó, Cà Mau là tỉnh duy nhất không có nguồn nước ngọt từ các sông truyền về. Các tỉnh khác trước kia có nước ngọt của các sông lớn như sông Tiền, sông Hậu nhưng năm nay cũng đã bị nước mặn xâm nhập. Thậm chí, Bến Tre hiện nay nước mặn đã bao phủ toàn tỉnh.

Từ ngày 7 đến 15/3, ranh mặn 4 phần nghìn xâm nhập sâu 100-110 km trên sông Vàm Cỏ; 60 km trên sông Cửa Tiểu, Cửa Đại. Trong khi đó, sông Hàm Luông là 78 km; 70 km trên sông Cổ Chiên và sông Hậu; 62-65 km tại sông Cái Lớn. Các sông còn lại đều cao hơn 3-8 km. 

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, miền Tây dù năm nay thiệt hại thấp hơn so với năm 2016 nhưng cường độ hạn mặn lại khốc liệt, gay gắt hơn rất nhiều.

Đợt hạn mặn lịch sử bốn năm trước khiến 600.000 người miền Tây thiếu nước sinh hoạt và 160.000 ha đất bị nhiễm mặn, gây thiệt hại hơn 5.500 tỷ đồng. 10 trong số 13 tỉnh, thành phải công bố thiên tai.

Hiện xâm nhập mặn làm thiệt hại khoảng gần 39.000 ha diện tích sản xuất lúa với khoảng 20.000 ha lúa mất trắng; 80.000 ha cây ăn trái, khoảng 97.700 hộ dân đang gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt. Hệ thống sông rạch cạn khô, nhiều công trình giao thông bị sút lún nghiêm trọng. Nhiều nơi nước mặn lấn sâu vào đất liền 110 km. 

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước