Tính đến 31/8, đã 3 ngày sau khi xảy ra vụ cháy tại nhà xưởng Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông tại Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội, rất nhiều thông tin được đưa ra khiến người dân sống xung quanh tâm vụ cháy bối rối, liệu rằng bầu không khí mình đang hít thở có bị bao phủ bởi sự ô nhiễm do thủy ngân và các kim loại nặng hay không?
Bởi lẽ, đám cháy không đơn thuần chỉ là một đám cháy. Nó đã nung suốt hơn 5 tiếng đồng hồ hàng triệu bóng đèn huỳnh quang, bóng đèn tròn và bóng đèn compact. Chất lượng môi trường, không khí, đất, nguồn nước sẽ bị ảnh hưởng ra sao? Kết luận sẽ được nêu ra bởi các cơ quan chức năng có thẩm quyền.
- Tối 28/8: Vụ cháy dữ dội xảy ra tại Công ty CP Bóng đèn, Phích nước Rạng Đông. Ngọn lửa bao trùm nhà xưởng, kéo dài hơn 5 tiếng đồng hồ, khói đen kịt trời.
- Ngày 29/8: UBND phường Hạ Đình ra khuyến cáo người dân sinh sống trong phạm vi từ 2km từ tâm vụ cháy cần sơ tán người già, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai; không sử dụng đồ ăn, thức uống, nước trong bể chứa hở; cần gấp rút đi khám nếu thấy sức khỏe có biểu hiện bất thường.
- Ngày 30/8, UBND phường Hạ Đình bất ngờ thu hồi văn bản do không đúng thẩm quyền và chưa đủ cơ sở. Động thái này khiến nhiều người ngạc nhiên không hiểu lý do. Việc khuyến cáo người dân là cần thiết, phường cũng phải có đơn vị tư vấn mức độ nguy hiểm của vụ cháy nhưng tại sao phải thu hồi văn bản?
Văn bản đã được thu hồi nhưng người lo sợ cứ lo sợ, người bán hàng vẫn tiếp tục công việc mưu sinh.
Phân tích vào công văn mà Q. Thanh Xuân yêu cầu UBND phường Hạ Đình thu hồi có đề cập 2 lý do rất rõ ràng. Thứ nhất là 1.000 thông báo mà UBND phường Hạ Đình phát đi cho người dân chưa đúng nội dung và thẩm quyền.
Trao đổi trên báo Thanh niên, UBND quận Thanh Xuân cho biết đã cảnh cáo nghiêm khắc đến UBND phường Hạ Đình. Phường khuyến cáo người dân đeo khẩu trang, nhỏ mắt, súc miệng... đảm bảo vệ sinh cá nhân là tốt. Tuy nhiên, việc khuyến cáo người dân tiêu hủy trái cây, thay đổi cây trồng là gây lãng phí và không đúng thẩm quyền. Đại diện quận Thanh Xuân cũng cho biết thêm, quận đã phối hợp với các bên liên quan tiến hành kiểm tra không khí, nguồn nước trên địa bàn, khoảng 4 ngày tới sẽ có kết quả. Lúc đó, ô nhiễm hay không, ảnh hưởng tới người dân ra sao, quận sẽ có thông báo.
Vậy là, vế chưa đúng về mặt nội dung đã rõ. Vế còn lại là phường Hạ Đình đã chưa đúng về mặt thẩm quyền. Liệu rằng trong quy trình của phường và quận có quy định rõ, một khi sự cố lớn xảy ra, đâu sẽ là đơn vị đứng ra phát ngôn, thông tin với với người dân không? Phường, quận hay thành phố? Người dân sẽ chờ đợi thông báo từ cơ quan chức năng nào? Và khi nào sẽ có thông báo? Nếu giữa phường và quận đã có sự thống nhất, rất có thể, văn bản của phường Hạ Đình gửi đến hơn 1.000 hộ dân chưa chắc đã được gửi đi.
Người dân cũng có cái lý của họ khi cho rằng, đánh giá của phường Hạ Đình về môi trường chắc chắn sẽ không bằng các cơ quan chuyên môn, ở đây đang có sự giẫm chân lên trách nhiệm công việc của nhau. Tuy nhiên, khi các cơ quan chuyên môn chưa kịp lên tiếng, phường nhanh chóng ra thông báo người dân đề phòng lại bị xem là cầm đèn chạy trước ô tô. Thế nhưng, ngay cả khi các cơ quan chuyên môn của Viện nghiên cứu Sức khỏe và Môi trường và Sở Tài nguyên - Môi trường vào cuộc cũng lại có những mâu thuẫn về mặt phát ngôn.
Theo thông báo, kết quả môi trường sau vụ cháy là an toàn với người dân. Tuy nhiên, đáng ngạc nhiên là đến tối 30/8, lại có một số thông tin trong báo cáo vừa rồi chưa đồng nhất với ý kiến của cơ quan chuyên môn liên quan.
Trong thông báo phát đi vào lúc 16h30 ngày 30/8, UBND quận Thanh Xuân đã có văn bản thông báo kết quả quan trắc về môi trường xung quanh khu vực xảy ra vụ cháy tại Công ty Rạng Đông. Trong đó, có đề cập đến kết quả đo bằng máy test nhanh của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế cho rằng, các chỉ số như thủy ngân, chì, kim loại nặng… đều trong ngưỡng cho phép, an toàn với người dân.
Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên VTV sáng 31/8, lãnh đạo Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường - Bộ Y tế khẳng định chưa công bố thông tin, kết quả nào về đánh giá môi trường sau vụ cháy.
Phía đơn vị này cũng khẳng định đang tiến hành phân tích các mẫu đất, nước, không khí lấy tại khu vực môi trường xung quanh vụ cháy và sẽ sớm công bố kết quả khi có kết luận cuối cùng.
Chánh văn phòng UBND quận Thanh Xuân cho biết, quận sẽ chịu trách nhiệm với những thông tin trong thông báo phát đi chiều ngày 30/8 về kết quả đánh giá môi trường sau vụ cháy.
Trước những thông tin không đồng nhất, đại diện quận Thanh Xuân cho biết, kết quả như trong thông báo ghi là kết quả đánh giá sơ bộ ban đầu khi quận làm việc với đoàn chuyên gia của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường trong buổi chiều ngày 30/8 chứ chưa có văn bản chính thức nào từ đơn vị này.
Sau vụ cháy, Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (phố Hạ Đình, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) đã gửi thông báo ngày 29/8, sau vụ cháy 1 ngày. Theo thông báo, ước tính thiệt hại tài sản khoảng 150 tỷ đồng, trong đó, số lượng sản phẩm có thể ảnh hưởng đến môi trường ước tính hư hỏng như sau:
- Bóng đèn huỳnh quang: 480.000 sản phẩm.
- Đèn tròn công suất thấp: 2 triệu sản phẩm.
- Bóng đèn HQ Compact: 1,6 triệu sản phẩm.
Về thông tin trên mạng xã hội lo ngại về vấn đề môi trường và ảnh hưởng của nó đến sức khỏe con người, Công ty Rạng Đông cho biết:
- Các vật tư - nguyên liệu chính được sử dụng để sản xuất bóng đèn huỳnh quang, CFL, đèn tròn gồm: Bầu đèn CFL làm bằng nhựa PC - đạt chứng chỉ UL, đảm bảo an toàn cho sức khỏe con người, kể cả khi cháy.
- Vỏ bóng đèn các loại làm bằng thủy tinh không chì (không có các hàm lượng kim loại nặng).
- Đầu đèn làm bằng nhôm với công nghệ hàn dập, không sử dụng thiếc hàn, dây tóc bằng wofram.
- Các khí thải không ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Ngoài ra, công ty đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây và đưa vào sản xuất từ năm 2016.
Như vậy, theo thông báo này, Công ty Rạng Đông sử dụng các thiết bị công nghệ tiên tiến nên ngay cả khi hàng triệu sản phẩm bị hun trong trận lửa hơn 5 tiếng đồng hồ như vậy, cũng sẽ không có quá nhiều tác động đến sức khỏe con người. Đáng chú ý hơn cả, nỗi lo sợ của người dân về thủy ngân ảnh hưởng độc hại đã được công ty trấn an, bởi công ty đã nghiên cứu sử dụng loại Amalgam thay thế cho thủy ngân lỏng trước đây từ năm 2016. Tuy nhiên, thực tế thì sao? Khi nỗi lo chưa kịp lắng xuống, một cuộc chiến khác lại nổ ra, đó là cuộc chiến phân tích hóa học!
Theo anh Phan Khánh Hưng, nguyên CTO của công ty công nghệ NexTtech, Amalgam là dạng hỗn hợp (hợp kim) của các kim loại tan trong thủy ngân, nếu ai đã từng nghịch thủy ngân từ bé biết rằng nó có khả năng hòa tan các kim loại khác rất mạnh. Việc dùng Amalgam thay cho thủy ngân lỏng chỉ đỡ ảnh hưởng sức khỏe khi bóng đèn bị vỡ trong trạng thái nguội, còn khi đang sáng, hợp kim này nóng sẽ bay hơi thành bụi vào không khí và trở thành bụi kim loại nặng khi nguội đi. Mỗi bóng đèn chứa chừng 4mg thủy ngân, có thể chắc chắn là có tối thiểu 16kg thủy ngân cùng kim loại gì đó đã rơi xuống hoà cùng bụi đường, mấy hôm nữa khô nó lại bay lên.
Rất nhiều văn bản của các bên liên quan trong vụ cháy đã được đưa ra. Thông tin nhiều nhưng do thiếu sự nhất quán trong việc phát ngôn, truyền tải thông tin nên người dân vẫn bối rối, chưa biết đâu mới là thông tin chính xác nhất.
Qua sự việc này, có thể thấy, lên phương án rủi ro khi sự cố xảy ra, thống nhất quy trình thông tin đến người dân là điều quan trọng nhưng điều quan trọng hơn cả là hạn chế để xảy ra các sự cố. Khi mà xưởng sản xuất còn kề sát nhà dân, xe chữa cháy không vào được các ngõ nhỏ, sự cố là điều hoàn toàn có thể nhìn thấy trước.
Bên cạnh đó, việc thông tin rõ ràng, nhanh chóng, chính xác sẽ giúp các cuộc khủng hoảng được xử lý nhanh chóng và triệt để, giảm thiểu được các tác hại do sự việc gây ra.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!