Chính quyền TP.HCM đã ban hành quyết định có hiệu lực từ ngày 24/11, yêu cầu người dân phải phân loại rác sinh hoạt theo quy định, kèm theo đó là những chế tài có thể gây sốc với các chủ hộ gia đình cố tình không thực hiện. Điều này chắc chắn sẽ thay đổi thói quen đi đổ rác của tất cả các bà nội trợ và hầu hết người dân ở thành phố đông dân nhất cả nước.
Việc phân loại được chia như sau:
- Rác thải hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa được quy ước sẽ bỏ vào các bao đựng rác màu xanh.
- Rác tái chế như là giấy, chai nhựa, chai thủy tinh còn nguyên... sẽ được cho vào túi màu vàng.
- Các loại rác khác, không tái chế được như là tã em bé, chai lọ bị vỡ, giày dép hỏng... sẽ cho vào túi màu xám.
Các loại rác thải nguy hại phát sinh từ gia đình như là bơm kim tiêm, pin hay bóng đèn… sẽ phải gom lại đem đổ riêng ở những nơi chuyên thu gom loại rác này.
Vậy nếu bạn không thực hiện điều này thì sao? Chế tài có nêu rõ, nếu vi phạm mức độ nhẹ, bạn có thể bị nhắc nhở, báo lên phường; nặng có thể bị đơn vị thu gom rác từ chối nhận rác từ gia đình bạn; nếu bị nhắc nhở quá 3 lần/tuần, bạn có thể bị xử phạt từ 15 - 20 triệu đồng.
Tại một số quốc gia, việc phân loại rác được thực hiện rất nghiêm ngặt. Các thùng rác trước siêu thị ở Hong Kong (Trung Quốc) cũng được ghi nhãn và phân làm nhiều loại rất cụ thể. Ở Singapore cũng tương tự, các ngăn đựng rác khác nhau được dán nhãn, tô màu khác biệt rất là rõ ràng. Còn ở Nhật Bản, thùng rác công cộng chia làm hàng chục ngăn khác nhau vì rác đốt được, rác không đốt được, rác tái chế... đều phải bỏ riêng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!