Nguy cơ mất an toàn khi chạy thận - Nỗi lo không của riêng ai

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ hai, ngày 26/08/2019 14:34 GMT+7

VTV.vn - Điều mà nhiều người dân cũng như bệnh nhân chạy thận quan tâm là quy trình chạy thận sao cho an toàn bởi sinh mệnh mong manh của họ hoàn toàn phụ thuộc vào máy móc y tế.

Với những bệnh nhân phải lọc máu thì chạy thận không chỉ là một liệu trình điều trị mà còn là một cuộc chạy đua với thời gian, để duy trì sự sống. Vì thế, an toàn trong quá trình chạy thân là điều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, đe dọa tính mạng của những bệnh nhân.

Hàng loạt sự cố y khoa nghiêm trọng đã xảy ra tại các cơ sở điều trị lọc máu. Điển hình nhất là vụ tai biến chạy thận khiến 8 người tử vong tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vào tháng 5/2017. Tiếp đến, vào ngày 30/7/2019, sự cố chạy thận tại Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khiến 2/6 người rơi vào tình trạng nguy kịch. Dù chưa xảy ra tai biến tương tự, nhưng những ngày vừa qua, đường dây nóng của Chuyển động 24h đã tiếp nhận phản ánh của nhiều bệnh nhân khi họ đang hàng ngày phải chấp nhận rủi ro để lọc máu vì dây chuyền chạy thận có những dấu hiệu không an toàn.

Nhiều bệnh nhân chấp nhận rủi ro để chạy thận nhân tạo?

Tại Bệnh viện Nhị Chiểu, huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương, dù đã được đầu tư lắp đặt 10 máy thận với chi phí tương ứng gần 3 tỷ đồng-nhưng đến nay, những cỗ máy này trong tỉnh cảnh án binh bất động vì phải tạm dừng hoạt động để hạn chế rủi ro. 3 tháng trước, tại đây đã xảy ra một sự cố chạy thận khiến 4 người sốt rét phải chuyển viện cấp cứu. 53 người đang điều trị tại đây cũng bắt buộc dời đi sau đó.

Chưa đến mức phải rời đi nơi khác, nhưng nếu tiếp tục chạy thận, các bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình phải đồng ý chấp nhận mọi rủi ro trong quá trình lọc máu. Không muốn có sự lựa chọn khác, hơn 200 người đang điều trị tại đây đồng loạt đặt bút ký vào giấy cam kết như "treo án tử trên đầu". Lý do bởi, ròng rã 2 tháng nay, những bất thường vẫn xảy ra như cơm bữa trên tất cả các ca lọc máu và các máy thận. Kể cả khi phía bệnh viện đã tìm đủ mọi cách để khắc phục như thay thế đường ống, màng lọc nước trong hệ thống R.O. Dù chưa xảy ra hậu quả đau lòng nhưng những lần xảy ra sự cố đã khiến những bệnh nhân chạy thận ở đây chẳng thể nào quên.

Nguy cơ mất an toàn tại các hệ thống chạy thận ở nhiều bệnh viện

Qua hàng loạt các xét nghiệm, đánh giá, đến nay, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường, Bộ Y tế đã có đủ bằng chứng để khẳng định, chất lượng nguồn nước trong hệ thống lọc R.O của bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình chính là thủ phạm gây ra các sự cố sốt rét kéo dài trên cơ thể của những bệnh nhân chạy thận. Trong đó, nguyên nhân ảnh hưởng tới chất lượng nước thì có vô số yếu tố tác động, ngay từ đường ống dẫn nước chẳng hạn.

PGS.TS Doãn Ngọc Hải, Viện trưởng Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường Bộ Y tế cho biết: "Các đường ống này gấp khúc. Gấp khúc tạo ra các mảng bám vi khuẩn phát triển. Dừng máy thì vi khuẩn phát triển. Những vi khuẩn phát triển lúc có lúc không khiến cho các bệnh viện rất khó đối phó".

Chưa nói đến hệ thống đường ống, duy chỉ một đoạn ống dẫn nước chưa đến 1m từ hệ thống lọc vào máy thận cũng là nguồn cơn của những ca sốt rét, biến chứng khi lọc máu. Được coi là quả thận nhân tạo, thay thế cho quả thận trong cơ thể con người, mức độ vô khuẩn của thiết bị này cũng quyết định tới sự an toàn của một ca lọc máu.

Nguy cơ mất an toàn khi chạy thận - Nỗi lo không của riêng ai - Ảnh 1.

Phòng rửa quả thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình.

Quy định của Bộ Y tế cho phép tái sử dụng tối đa 6 lần đối với một quả lọc. Quan trọng là khâu rửa quả lọc phải được tiệt trùng tiệt khuẩn. Thế nhưng, dây chuyền rửa quả thận nhân tạo ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thái Bình lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh vi khuẩn.

Còn phòng rửa quả lọc tại Bệnh viện Nhị Chiểu, ở huyện Kinh Môn, tỉnh Hải Dương thì chật chội, ẩm thấp nên nấm mốc tràn lan. Đang trong thời gian kiểm tra kỹ thuật sau sự cố chạy thận nhưng dây chuyền vệ sinh quả lọc lại trở thành nơi gây mất vệ sinh. Trong các đường ống đã xuất hiện nhiều cặn bẩn, khu vực chậu rửa loang lổ vết bẩn.

Nguy cơ mất an toàn khi chạy thận - Nỗi lo không của riêng ai - Ảnh 2.

Dây chuyền vệ sinh quả lọc tại Bệnh viện Nhị Chiểu (Hải Dương).

Sau khi sự cố chạy thận xảy ra, phía đơn vị quản lý chất lượng nước đã lấy mẫu đi kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu nước trước khi lọc và sau khi lọc đều đạt tiêu chuẩn tuy nhiên, tại quả lọc tái sử dụng vẫn phát hiện hóa chất tồn dư.

Hóa chất tồn dư được tìm thấy trên quả lọc được xác định là fomaldehit - một chất độc có tác dụng tẩy rửa dùng trong quá trình vệ sinh quả lọc. Chưa dừng lại ở đó, theo kết quả kiểm nghiệm bệnh viện cung cấp cho thấy, nước lọc cấp vào một số máy thận còn chứa nội độc tố vi khuẩn Endotoxin, vượt gần 2 lần so với tiêu chuẩn cho phép.

Sẽ có ai, đơn vị nào phải chịu trách nhiệm nếu trong trường hợp không may xảy ra sự cố y khoa nghiêm trọng khi chạy thận? Theo ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: "Trách nhiệm đầu tiên là trách nhiệm của cơ sở. Anh cung ứng dịch vụ thì anh phải đảm bảo cơ sở, trang thiết bị. Nếu không đảm bảo an toàn phải chuyển đổi bệnh nhân đến cơ sở khác và điều chỉnh hệ thống. Ví dụ như hệ thống lọc nước mà không đảm bảo thì phải thay đổi, sửa chữa nâng cấp. Nếu chưa có quy trình thì Bộ Y tế sẽ chịu trách nhiệm. Nhưng nếu có quy trình rồi sẽ là trách nhiệm của cơ sở".

Cần thay đổi cơ cấu giá cho một ca chạy thận nhân tạo

Theo tìm hiểu, một máy chạy thận có giá trên thị trường dao động ở mức từ 1- 2 tỷ đồng. Vì chi phí đầu tư ban đầu rất lớn nên hầu hết các bệnh viện hiện nay phải ký kết hợp đồng liên kết đầu tư khai thác sử dụng máy chạy thận nhân tạo với một đơn vị tư nhân cung cấp máy. Tùy vào điều khoản hợp đồng thỏa thuận nhưng thông thường, các bệnh viện sẽ phải trả từ 3-4 USD tiền thuê máy. Sau 5 năm, máy này sẽ thuộc quyền sở hữu của bệnh viện.

Trong khi đó, theo quy định của Bộ Y tế, cơ cấu giá một lần chạy thận nhân tạo của bệnh nhân thận được xây dựng gồm 11 khoản bao gồm chi phí dây lọc máu, dịch lọc, quả lọc, kim chạy thận nhân tạo, hóa chất sát trùng… Nhưng hiện nay, bảo hiểm y tế mới thanh toán 7 khoản, mức cao nhất không vượt quá 556.000 đồng (đối với bệnh viện hạng một).

Nguy cơ mất an toàn khi chạy thận - Nỗi lo không của riêng ai - Ảnh 3.

Lãnh đạo nhiều bệnh viện có đơn nguyên thận nhân tạo đều cho rằng, mức thanh toán của bảo hiểm y tế hiện nay chưa tính đúng, tính đủ chi phí cho một ca chạy thận. Điều này khiến cho bệnh viện và bệnh nhân lại gặp nhiều khó khăn hơn khi duy trì hoạt động. Nhất là khi, để đảm bảo an toàn cho hệ thống chạy thận thì khâu giám sát nguy cơ, lấy mẫu kiểm nghiệm đột xuất được coi là khâu bắt buộc cần phải triển khai liên tục thì hiện nay, trong cơ cấu giá của Bộ Y tế lại chưa hề đề cập đến.

Những sự cố, tai biến y khoa khi chạy thận, có lẽ là câu chuyện đau lòng mà không ai muốn nhắc đến. Giải pháp lúc này với nhiều bệnh viện là làm sao để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các bệnh nhân lọc máu. Theo Luật Khám chữa bệnh hiện hành, chịu trách nhiệm về chất lượng thiết bị, bảo trì thiết bị do bộ phận trang thiết bị - vật tư phụ trách. Còn bác sĩ chỉ là người cấp cứu, điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân.

Bộ Y tế: Chỉ được chạy thận nhân tạo khi an toàn người bệnh được đảm bảo Bộ Y tế: Chỉ được chạy thận nhân tạo khi an toàn người bệnh được đảm bảo

VTV.vn - Đây là chỉ đạo trực tiếp của PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục Trưởng Cục quản lý Khám, chữa bệnh khi thăm bệnh nhân và kiểm tra công tác xử lý sự cố y khoa tại Nghệ An.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước