Đầu tháng 5 vừa qua, tại Mỹ, một bé gái 12 tuổi - Jessica Scatterson đã tự sát sau khi xem bộ phim Thirteen Reasons Why (tạm dịch là 13 lý do tại sao). Đây là loạt phim của Netflix, nói về một nữ sinh trung học tự sát và để lại thư tuyệt mệnh.
Mẹ của Jessica đã đau đớn chia sẻ với báo giới: "Jessica xem loạt phim này và viết ra danh sách 6 lý do khiến con nên chết. Thể loại phim như thế cần bị cấm vì nó khơi dậy ý tưởng tự làm hại bản thân của trẻ nhỏ". Sự việc này lại dấy lên những quan ngại về ảnh hưởng tới xã hội của những bộ phim ăn khách nhưng tiếp cận tới những vấn đề nóng của xã hội như bạo lực, tự tử.
Phim ăn khách với đề tài nóng tiềm ẩn nguy cơ
Chuyên gia cảnh báo xem 13 lý do tại sao có thể dẫn tới tự tử - tờ Mashable đưa tin. Theo CNN, tỷ lệ trẻ vị thành niên tại Mỹ tự tử tăng mạnh sau khi 13 lý do tại sao ra mắt. Còn theo CNBC, chỉ 1 tháng phim ra, số lượng vị thành niên tự tử tăng.
Con số giật mình mà các trang báo Mỹ đưa ra là đã có tới: 195 vụ tự tử của trẻ em từ 10-17 tuổi tại Mỹ, sau khi bộ phim này được ra mắt. Chủ yếu, nạn nhân là các bé trai.
13 lý do tại sao là phim ăn khách của Netflix, được sản xuất để nâng cao nhận thức về vấn nạn tự sát và bạo lực học đường tại Mỹ, vì thế nó có cái nhìn gai góc và trực diện đi kèm với những cảnh bạo lực và có rõ nhưng chi tiết liên quan tới tự sát. Người xem cũng vì thế mà bị lôi cuốn.
Bộ phim được dán nhãn không dành cho trẻ dưới 16 tuổi. Thế nhưng, do được phát trực tuyến, nên việc cha mẹ kiểm duyệt phim trước khi cho con xem là rất khó thực hiện. Và việc thiếu kiểm soát đối tượng xem đã khiến cho những khán giả nhỏ tuổi, với tâm lý còn non nớt, bị ám ảnh bởi những chi tiết trong phim, dẫn tới hành vi tự hại mình.
Đáng quan ngại là nhiều bộ phim ăn khách với các chi tiết nguy hiểm, bạo lực, thường có tiềm ẩn nguy cơ khi người xem bắt chước. Cũng mới đầu năm nay, thử thách bịt mắt thực hiện các hoạt động thường nhật, ăn theo bộ phim Birdbox, đã dẫn tới cái chết của một nữ sinh 17 tuổi khi em bịt mắt và lái xe, gây tai nạn. Dù vậy, nhà sản xuất phim đã có cảnh báo người xem không nên học theo.
Danh sách những bộ phim có khán giả học theo các làm cực đoan vẫn còn dài như:
+ Bộ phim wedding crashers khiến một số khán giả học theo, đầu độc bạn và người thân của mình
+ Phim Breaking bad đình đám khiến khán giả học theo, sử dụng acid để hại người khác.
Vấn đề đặt ra cho các nhà làm phim là làm sao vừa tạo được những bộ phim có chi tiết thú vị, nhưng đồng thời, tránh được những hệ quả không tốt khi khán giả học theo.
Phim ảnh có tác động mạnh mẽ tới người xem như thế nào?
Phim ảnh là một trong những loại hình văn hóa có tác động nhất định tới tâm lý người xem. Khi đó là loại phim bạo lực, nó cũng có nguy cơ khiến người xem trở nên hung hãn hơn. Đó là kết quả nghiên cứu được đăng tải trên tờ Telegraph.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, việc xem những bộ phim bạo lực sẽ phần nào gây kích động với người xem có xu hướng hành xử thô bạo. Nghiên cứu được tiến hành trên đối tượng là nam giới. Trong quá trình xem phim, các nhà nghiên cứu đã quét sóng não của người tham gia và phát hiện ra rằng, ở những người có xu hướng hành xử thô bạo, có ít hoạt động diễn ra ở vùng não điều khiển cảm xúc và ra quyết định hơn. Tức là, họ có nguy cơ bị mất bình tĩnh, trở nên kích động và hung hãn hơn.
Nhưng chúng ta cũng không thể chụp mũ mà nói rằng phim ảnh hoàn toàn chỉ đem tới những hệ quả xấu tới xã hội bởi mục đích của phim ảnh là để giải trí, và hướng con người tới những giá trị nhân văn. Vẫn luôn có những bộ phim truyền tải thông điệp tích cực có thể mang những điều tốt đẹp từ màn ảnh ra đời thực. Không ít người đã được tiếp thêm sức mạnh tinh thần từ những nhân vật mà họ yêu mến.
Tác động tích cực từ phim ảnh ra đời thực
Hãy thử tưởng tượng bạn là fan của các bộ phim Siêu anh hùng và 1 ngày bạn nhận được lời nhắn từ một trong những siêu anh hùng mà bạn yêu mến nhất, cảm giác của bạn sẽ như thế nào? Bé Felipe người El Salvador đã được trải qua cảm giác đó khi nhận được lời nhắn từ siêu anh hùng Captain America: "Cháu rất mạnh mẽ và dũng cảm. Chú rất ấn tượng về cháu. Cháu hoàn toàn đủ khả năng để chiến đấu với bọn chú đấy".
Điều này càng có ý nghĩa đặc biệt hơn khi Felipe mới trải qua thêm 1 cuộc phẫu thuật u não trong hành trình 4 năm điều trị ung thư. Nhận được lời nhắn từ thần tượng có lẽ cũng giống như liều thuốc tinh thần giúp em lạc quan và mạnh mẽ hơn.
Một siêu anh hùng khác cũng bước từ màn ảnh ra đời thực để mang đến thông điệp ý nghĩa, chống bạo lực học đường. Spiderman cùng đoàn làm phim đã tận dụng chính sức hút của bộ phim để thu hút sự chú ý của công chúng đến một vấn đề nghiêm túc.
Không chỉ tác động đến tâm lý, nhận thức của người xem, phim ảnh còn có thể tạo ra một số thói quen tốt cho khán giả. Một nghiên cứu của các nhà khoa Mỹ cho thấy, phim ảnh có thể kích thích việc đọc sách. Những bộ phim ăn khách được chuyển thể từ tiểu thuyết sẽ tạo ra hiệu ứng thôi thúc người xem tìm đọc tác phẩm gốc. Ví dụ như series phim đình đám Maze Runner, khi bắt đầu được quảng bá, số học sinh Mỹ đọc cuốn sách gốc đã tăng từ chưa đầy 3.000 lên hơn 10.000 người.
Một điều thú vị là nhiều chính trị gia cũng đã "mượn" sự nổi tiếng của nhiều bộ phim ăn khách, để thúc đẩy những mục tiêu của mình như truyền cảm hứng, diễn giải những vấn đề của xã hội nhằm thúc đẩy sự tiến bộ của thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!