Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường tại một số nước châu Âu. Tính tới 17h ngày 9/3, Italy tiếp tục ghi nhận số ca tử vong cao thứ hai thế giới, số ca nhiễm cao thứ ba thế giới. Pháp và Đức lần lượt là quốc gia có số ca nhiễm cao thứ 5 và 6. Trong khi đó, Mỹ đứng thứ 8.
Hệ thống y tế công cộng mạnh mẽ của châu Âu giúp các quốc gia trong khu vực đối phó tốt hơn so với những nơi khác. Tuy nhiên, trước dịch COVID-19, hệ thống này vẫn còn những thách thức.
Theo Bộ trưởng Y tế Cộng hòa Czech Adam Vojtech, thiếu thốn cơ sở vật chất như khẩu trang, thiết bị bảo hộ cùng chất khử trùng là thách thức trong công tác ứng phó dịch COVID-19 tại châu Âu.
Ở Mỹ, tình trạng thiếu bộ kit xét nghiệm đang gây khó khăn cho việc kiểm tra sức khỏe của nhiều người. Ví dụ, gần một nửa trong số khoảng 180 nhân viên y tế làm việc tại nhà dưỡng lão Life Care, ngoại ô thành phố Seattle, bang Washington Mỹ đã có triệu chứng của bệnh COVID-19. Tuy nhiên, cơ sở này vẫn chưa thể tiến hành xét nghiệm cho tất cả nhân viên và cư dân do thiếu bộ kit xét nghiệm.
Hiệp hội Dược phẩm EU cũng cho biết, kể cả trước khi dịch bùng phát, nhiều quốc gia châu Âu thực tế đã rơi vào tình trạng thiếu thuốc đặc biệt là thuốc hô hấp. Đến giờ, việc thiếu thuốc có thể sẽ gặp nhiều thách thức hơn do một lượng lớn dược phẩm được nhập khẩu từ Trung Quốc và Ấn Độ, nguồn cung từ các quốc gia này lại hạn hẹp do dịch COVID-19.
Hiện châu Âu đã tổ chức những buổi họp khẩn nhằm thảo luận cách ứng phó với COVID-19. Còn phía Mỹ cũng đã có những biện pháp ngăn chặn để hạn chế sự lây lan của dịch bệnh. Nếu thực hiện triệt để và thành công sẽ có thể để giảm bớt các thách thức với hệ thống y tế của các quốc gia.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!