Không chỉ nâng cao tay nghề cho công nhân, theo các chuyên gia việc chuẩn bị tay nghề cho sinh viên từ khi còn trên ghế nhà trường cũng cần thay đổi và có sự đầu tư. Do vậy, nhiều trường đào tạo nghề đã tìm những hướng đi mới trong việc cung cấp các kiến thức và kỹ năng cho sinh viên. Một trong những cách thức đang được triển khai là thầy cô giáo phải tìm đến DN để học và nâng cao nghiệp vụ cho chính mình, từ đó truyền đạt lại cho sinh viên, công nhân nâng cao tay nghề, tiệm cận với nhu cầu nhân lực của thị trường.
Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật Vinatex tại TP Hồ Chí Minh có quy mô đào tạo khoảng 4.000 công nhân lĩnh vực ngành dệt may mỗi năm. Sinh viên phải trải qua 3 năm học nghề, gồm cả lý thuyết và thực hành trước khi trở thành công nhân học nghề tại DN.
Để rút ngắn khoảng cách giữa đào tạo và đòi hỏi thực tiễn của DN, thầy cô giáo của trường phải thường xuyên đến DN để học nghề.
Đáng nói, hiện nay không phải trường nghề nào cũng hợp tác sâu với DN, vẫn còn khoảng cách rất xa giữa các trường đào tạo nghề và DN. Nếu không thay đổi cách dạy và học, những ngành có thế mạnh xuất khẩu của Việt Nam như: dệt may, da giầy, điện tử, công nghệ… sẽ luôn chịu áp lực về khan hiếm, thậm chí khủng hoảng vì thiếu lao động tay nghề cao.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!