Nguyên nhân tổn thất lớn do mưa lũ
Lượng mưa lớn
Chỉ trong 4 ngày từ 5/7 đến 8/7, một số khu vực tại Nhật Bản đã hứng chịu lượng mưa từ 300-500mm, thậm chí, một số nơi như Hiroshima, Okayama và Hyogo, lượng mưa có lúc lên tới hơn 500mm, gấp 4 lần so với lượng mưa trung bình hàng tháng.
Địa lý
73% địa hình Nhật Bản là núi, khu vực dân cư sinh sống ở miền Tây nước này chủ yếu xây dựng trên các sườn dốc, dễ dẫn đến tình trạng ngập úng, sạt lở. Bên cạnh đó, hệ thống sông ngòi tại quốc gia này cũng không hề ít, khi có mưa lớn tác động, nước sông dâng cao, đủ sức mạnh phá vỡ hệ thống kè kiên cố.
Cơ sở vật chất và cư dân cao tuổi
Nhiều người dân ở các vùng nông thôn tại Nhật Bản hiện nay vẫn sống trong những ngôi nhà truyền thống, được dựng lên từ gỗ. Do đó, khi có tác động mạnh từ thiên nhiên, chắc chắn chúng sẽ không thể chịu đựng được. Hơn nữa, Nhật Bản quen với động đất hơn là lũ lụt. Người dân sống tại vùng nông thôn chủ yếu là người già. Khi lũ lụt xảy ra bất ngờ, họ không thể kịp thời ứng phó và di tản. Đa số thương vong trong đợt mưa lũ này cũng là những người cao tuổi.
Sử dụng đất chưa hợp lý
Tốc độ phát triển nhanh chóng khiến những mảnh đất trống được sử dụng gần hết cho những công trình xây dựng, chỉ còn rất ít đất để hấp thụ nước mưa. Trong 4 ngày bão lũ liên tiếp, dồn dập hết trận này đến trận khác, đất không thể hấp thụ được hết nước, dẫn đến tình trạng lở đất nghiêm trọng, gây thương vong lớn.
Một nguyên nhân được nhiều người nhắc đến đó là việc Nhật Bản đã dồn sức quá nhiều cho việc phòng ngừa động đất sóng thần mà coi nhẹ các thảm họa do lũ lụt. Người dân có tư tưởng chủ quan, ngay các cuộc diễn tập hàng năm cũng chỉ đưa ra kịch bản ứng phó với động đất, còn những nơi được dùng trú nạn có khi động đất xảy ra trong đợt lũ lụt này đã bị ngập nặng nề và không thể sử dụng được.
Thiệt hại do đợt mưa lũ vừa qua
Đợt mưa lũ tại Nhật Bản vừa qua gây ra tổn thất lớn. Ảnh: AP
Không thể phủ nhận thực tế Nhật Bản là quốc gia thường xuyên phải hứng chịu thiên tai, đặc biệt là những trận động đất. Vì thế, năng lực ứng phó thiên tai của Nhật Bản vẫn được coi là khá tốt. Thế nên, thiệt hại lớn của người Nhật trong đợt mưa lũ vừa qua khiến nhiều người giật mình.
Tại thành phố Hiroshima, mưa lớn không chỉ phá hủy nhiều nhà cửa, công trình mà còn để lại hàng tấn đất bùn. Lở bùn đã tạo ra một vành đai bùn và đất đá trải dài hơn 1.000m quanh khu vực nhà có người mất tích, khiến việc làm sạch khu vực vô cùng khó khăn.
Vấn đề chính ở chỗ rất nhiều người dân đã không nhận ra quy mô của thảm họa và đã không hành động. Hậu quả càng nghiêm trọng do hầu hết nhà cửa được làm bằng gỗ, rất dễ bị phá hủy.
Có tới 70.000 nhân viên cứu hộ tham gia vào hoạt động tìm kiếm người mất tích và cứu hộ nạn nhân của mưa lũ. Những chiếc máy xúc hoạt động hết công suất. Nhưng cũng chẳng ai nói trước được điều gì.
Hiện vẫn còn hàng chục nghìn ngôi nhà chưa có nước sạch hay điện để sinh hoạt. Người dân dường như cũng bất lực trước hậu quả của trận mưa lũ này.
Công tác ứng phó, cứu hộ sau thiên tai
Trong đợt mưa lũ vừa qua, cơ quan chức năng đã đưa ra cảnh báo đến 5,9 triệu người tại 19 tỉnh. Cục Khí tượng quốc gia cũng thông báo sơ đồ cảnh báo nguy hiểm như sạt lở, lũ cuốn để khuyến cáo người dân tránh xa.
Nhật Bản duy trì lực lượng ứng trực thuộc các đơn vị ứng phó với tình trạng khẩn cấp, để sẵn sàng di dời, cứu nạn, đồng thời quy hoạch trước các khu vực trú nạn là các trường học, sân vận động, công viên, trụ sở hành chính công để sẵn sàng cho công tác di tản, cứu hộ.
Quỹ dự phòng cho thiên tai của nước này rất lớn nhằm cung cấp thực phẩm, nhu yếu phẩm cho khu vực chịu thiên tai, đồng thời phục vụ công tác tái thiết khu vực chịu thảm họa.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!