Hơn 3.000 ha rừng tái sinh ở huyện này đã được giao cho các hộ khoanh nuôi và bảo vệ từ năm 2009 với thời gian 50 năm. Người dân cho biết đã phát hiện tình trạng phá rừng ngay từ khi xảy ra quy mô nhỏ nhưng việc ngăn chặn lại gặp nhiều khó khăn.
Cứ vài ngày, những người dân lại phải lên gác rừng trong khi trước đây cả năm mới lên kiểm tra vài lần. Tuy nhiên, từ khi rừng bị phá, họ phải thường xuyên cắt cử người canh.
Những cây rừng từ to đến bé lần lượt bị đốn hạ.
Vài ngày đầu, các đối tượng phá rừng sẽ phá thăm dò. Nếu dân không phát hiện, chúng sẽ đưa hàng chục người và máy cưa vào phá. Cây to đẵn trước, nhỏ hạ sau. Từ gỗ đến củi sẽ được chuyển đi ngay trong ngày. Chờ khi mảnh rừng đã tan hoang, các đối tượng sẽ cho người gặp chủ rừng, ép chuyển nhượng với giá rẻ mạt.
Những người dân mất rừng cho rằng, các đối tượng phá rừng đang trục lợi rất nhiều từ việc phá rừng. Hàng trăm khối gỗ mỗi ngày, chúng ngang nhiên chặt bán. Đất bị ép bán giá thấp để chúng trồng keo. Vì lợi đủ đường như vậy nên các đối tượng không từ thủ đoạn nào.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam tại TV Online!